Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái khởi động nỗ lực hòa bình

Hoàng Linh| 21/10/2016 06:46

(HNM) - Sau một năm kể từ lần họp tại Normandy hồi tháng 6-2014, nhóm chuyên trách giải quyết vấn đề Đông Ukraine (thường được biết đến với tên gọi

"Bộ tứ Normandy" là khuôn khổ cần thiết cho giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.



Cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận Minsk "phiên bản 2.0" đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn do hàng loạt vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Trong đó phải kể đến các cuộc tấn công của Kiev vào vùng Nam Donetsk thời gian gần đây và vụ ám sát thủ lĩnh Tiểu đoàn Sparta, một trong những chỉ huy quân sự cao nhất của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine Arsen Pavlov hôm 16-10. Ngoài ra, ngay trước thềm lần nhóm họp của "Bộ tứ Normandy", căng thẳng cũng bất ngờ gia tăng giữa Nga và Pháp liên quan đến những bất đồng quanh việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Sau cuộc họp, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, dù chưa có văn kiện cụ thể nào được ký kết, song các bên đã nhất trí về lộ trình tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó bao gồm cả việc rút quân đội Ukraine và các lực lượng ly khai khỏi 4 khu vực nữa, đồng thời đưa một phái bộ cảnh sát vũ trang dưới sự bảo trợ của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) vào Donbass. Các bên cũng ủng hộ việc hoàn thiện tiến trình thiết lập 3 vùng an toàn bay, tiến tới thành lập 4 vùng giám sát các lực lượng tại khu vực này, thống nhất rằng lộ trình thực thi thỏa thuận Minsk cần hoàn thiện trước khi tháng 11 kết thúc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến việc ngừng bắn, rút vũ khí, trao đổi tù nhân, bầu cử địa phương ở Donbass, cải cách hiến pháp và thiết lập các nhóm công tác về an ninh, chính trị, kinh tế, nhân đạo một cách cụ thể hơn. "Bộ tứ Normandy" cũng nhấn mạnh tới các vấn đề biên giới, đường giới tuyến và cách tiếp cận của OSCE, cũng như việc rút thêm binh sĩ khỏi đường giới tuyến. Được biết, sau khi hoàn thiện ở cấp chuyên gia, lộ trình này sẽ được các bộ trưởng trong nhóm bộ tứ phê chuẩn trước khi lãnh đạo cấp cao thông qua.

Bày tỏ ý kiến sau cuộc họp, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, các nhà lãnh đạo cấp cao đều khẳng định sẽ tuân thủ đúng thỏa thuận Minsk nhưng đồng thời bày tỏ sự lo ngại về phản ứng khó đoán từ phía Mỹ trước các quyết định của nhóm. Người đứng đầu điện Kremlin cũng lấy làm tiếc rằng dù các bên đều sẵn sàng đối với việc giải quyết các vấn đề nhân đạo tại miền Đông Nam Ukraine song vẫn chưa tìm được lối thoát. Đồng ý kiến, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau cuộc họp lần này, các bên đều nhận thấy sự cần thiết của việc tiến hành các cuộc gặp một cách thường xuyên hơn trong thời gian tới và khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) khai mạc vào ngày 20-10 không nên đề cập đến việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận định vấn đề nhân đạo tại miền Đông Ukraine mà Nga đề cập cần được ưu tiên xem xét và nhiệm vụ hàng đầu của các ngoại trưởng "Bộ tứ Normandy" thời gian tới là nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại Donbass.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, bạo lực bùng phát từ tháng 4-2014 đến nay ở miền Đông Ukraine giữa quân chính phủ và lực lượng đòi độc lập đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.600 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tới đầu năm 2015, thỏa thuận ngừng bắn Minsk đã được Ukraine, Nga, Đức và Pháp thống nhất để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, việc thực thi văn bản này không như mong đợi bởi hàng loạt các vụ vi phạm. Thực tế này khiến việc thúc đẩy vai trò của "Bộ tứ Normandy" trong tìm kiếm một lộ trình hòa bình trở thành mục tiêu cấp thiết. Điều đó càng được khẳng định khi sự hợp tác của 4 quốc gia này được xem là nỗ lực duy nhất để giải quyết vấn đề Ukraine cho đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, dẫu rằng cuộc họp mới nhất chưa thực sự đi tới một kết quả rõ ràng nhưng ít nhiều cũng đã thể hiện được sự đồng thuận giữa các cường quốc để hướng tới một giải pháp lâu dài nhằm kết thúc cuộc xung đột dai dẳng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái khởi động nỗ lực hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.