(HNMO) – Những nét đặc sắc của chợ nổi Nam Bộ như bán quả tươi, đờn ca tài tử, hò vè… sẽ được các nghệ nhân đến từ Cần Thơ trình diễn tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Phiên chợ nổi Nam Bộ sẽ được tái hiện đầy đủ tại Hà Nội trong khuôn khổ "Tuần Đại đoàn kết Dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2015" |
Chiều 3/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp báo, công bố nội dung chương trình “Tuần đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam” – sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội) từ ngày 15 đến 23-11, dự kiến có sự tham gia của 150 đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú (Điện Biên), Sán Chay (Bắc Giang), Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế), M’Nông (Đăk Lăk), Chăm (Bình Định); Hoa, Khmer (Cần Thơ)…
Theo Ban tổ chức, trong những ngày này, tại không gian rộng lớn của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, rất gần gũi với không gian sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc sẽ trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, tái hiện các lễ hội văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Bình Định, lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên – Huế, lễ cưới hỏi của đồng bào dân tộc Sán Chay tỉnh Bắc Giang, lễ tằng cẩu của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên…
Cùng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật có tính trình diễn, trong khuôn khổ chương trình “Tuần đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” còn có các hoạt động giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc, các sự kiện xúc tiến du lịch, giao lưu – trình diễn nghệ thuật với chủ đề “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” và “Đại đoàn kết – Đại thành công”, trưng bày triển lãm, giới thiệu mô hình phiên chợ vùng cao…
Ngoài ra, trong chương trình còn tái hiện nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc (Ảnh: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú) |
Ngoài chương trình khai mạc với chủ đề “Sắt son niềm tin” (20h ngày 15-11, tại quảng trường làng I), điểm nhấn trong chương trình “Tuần đại đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” còn là chương trình tái hiện phiên chợ nổi Nam Bộ, không gian ẩm thực Nam Bộ (từ 8h30 ngày 15-11 đến hết ngày 22-11, tại khu vực chợ nổi làng III).
BTC khẳng định, những sản vật của chợ nổi sẽ được vận chuyển từ Cần Thơ ra để đảm bảo tính bản sắc của địa phương. Nếu những sản vật hết trong thời gian diễn ra lễ hội thì BTC sẽ tiến hành vận chuyển bằng đường hàng không đúng sản vật đặc trưng của địa phương chứ không lấy hàng hóa có sẵn ở Hà Nội thay thế. Đ
Ngoài điểm nhấn là chợ nổi, trong tuần văn hóa này còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú khác như trò chơi dân tộc tại Chợ vùng cao, tái hiện Lễ hội của một số dân tộc như Lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, lễ hội A Za Koonh (cầu mùa) của dân tộc Tà Ôi, lễ hội cầu mưa của dân tộc Chăm tỉnh Bình Định, lễ hội cưới của dân tộc Sán Chay…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.