(HNM) - Một bảo tàng văn hóa mang đậm bản sắc Việt, một không gian nghệ thuật mở giữa trời và nước sông Hồng thêm một lần được tái hiện trên cây cầu Long Biên lịch sử với chủ đề "Cầu Rồng kể chuyện Thăng Long - Hà Nội - Cây cầu của hòa bình, hội nhập và phát triển" trong hai ngày 19 và 20-11.
Sau Festival "Ký ức cầu Long Biên" năm 2009 ít nhiều gây thất vọng cho người xem, festival lần này được BTC khẳng định sẽ diễn ra với quy mô hoành tráng hơn, tái hiện truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhiều hơn và sẽ gần gũi người dân hơn.
Một "bảo tàng" văn hóa xưa và nay
Chương trình lễ hội dự kiến kéo dài bốn ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sau dời sang ngày 19 và 20-11, ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên. Lý do lỗi hẹn là vì dịp Đại lễ có quá nhiều chương trình, sự kiện với lưu lượng người đông, khó bảo đảm an toàn cho cây cầu, an ninh cho người dự hội. Bà Nguyễn Nga, Giám đốc ngôi nhà nghệ thuật, đơn vị tổ chức festival năm 2010 cho biết: Ở festival này, cầu Long Biên sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử lớn, là nơi trưng bày những hình ảnh và hiện vật về sự hình thành và phát triển của đất nước qua 11 thế kỷ với 2 chiều: ký ức và ước mơ. Cả cây cầu Long Biên sẽ được trang trí thành con rồng thời Lý, với đầu rồng lớn cao 8m, dài gần 50m, ngậm minh châu chầu về Thăng Long. Trên cầu, du khách trong trang phục cổ xưa, trang phục các dân tộc, trang phục bộ đội, trang phục tự sáng tạo sẽ hòa sắc cùng trang phục của 69 quốc gia đưa cầu Long Biên trở thành một bảo tàng văn hóa các dân tộc.
Triển lãm trên cây cầu cũng sẽ tái hiện những câu chuyện thần thoại, cổ tích, lịch sử Việt Nam qua các nhân vật như: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Tứ bất tử, Thạch Sanh, Tấm Cám... Bên cạnh đó là triển lãm Văn minh lúa nước sông Hồng, tranh khắc gỗ, triển lãm 1.000 bức tranh nói lên ước mơ của trẻ em khuyết tật... Một không gian Hà Nội xưa với hình ảnh thiếu nữ gánh hoa, gánh cốm trên nền nhạc ca trù, xẩm, chèo, tuồng, quan họ, cải lương... cũng sẽ xuất hiện.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội cho biết: Từ hơn một tháng nay, anh cùng hơn 20 người dân quê đã sưu tầm các dụng cụ lao động như cày, bừa, liềm, cuốc, cối giã gạo, làm sáo diều để giới thiệu nền văn minh lúa nước vùng Đồng bằng sông Hồng trong lễ hội… Ở đó, mỗi người dân sẽ vừa là chủ thể sự kiện, chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng cảm thụ văn hóa - anh Nghĩa nói.
Kết nối Hà Nội với thế giới
Điểm nhấn của Festival cầu Long Biên năm 2010 là nội dung bạn bè quốc tế với Thăng Long - Hà Nội mang chủ đề "Hòa bình - Hội nhập - Phát triển". Theo đó, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật sẽ diễn ra làm nổi bật chủ đề này. Khai mạc là các tiết mục ca múa nhạc tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ do 100 nghệ sĩ, diễn viên, tượng trưng cho 100 con Rồng, cháu Tiên biểu diễn. Theo bà Nguyễn Nga, Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới có truyền thuyết 100 người con sinh ra trong cùng một bọc và đây chính là sợi dây kết nối dân tộc. Dù ở bất cứ nơi đâu, sợi dây này vẫn luôn hiện diện trong máu huyết, trong ký ức của con dân đất Việt, là đường dẫn đưa những người con về với quê hương mình. Hơn thế, festival còn có chương trình hòa nhạc đặc sắc, biểu diễn sáng tác mới của nhà soạn nhạc người Pháp Christophe Hache mang tên "Trên cây cầu Long Biên" và ca khúc "Thấy Hà Nội" của Claude Vadasz. Bế mạc festival là dạ hội khiêu vũ quần chúng kiểu Pháp với những bài hát, điệu nhảy đặc trưng của thế kỷ XX.
Ý nghĩa kết nối Hà Nội với thế giới sẽ được thể hiện rõ hơn qua hình ảnh 69 băng rôn giới thiệu về 69 thủ đô của 69 nước có đại sứ quán tại Hà Nội trên những đoạn cầu mất nhịp. Trên băng rôn ghi tên doanh nghiệp các nước đang có mặt tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại các nước. Đây là thông điệp, điều kiện để các doanh nghiệp trong nước, quốc tế gặp nhau, góp phần đưa Việt Nam ra thế giới và thế giới đến với Việt Nam. Đặc biệt, trên chiều dài 1.682m của cầu Long Biên còn có Gallery ngoài trời trưng bày 1.000 bức ảnh của các nghệ sĩ trong nước, quốc tế thể hiện tình yêu đối với đất Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó là trại sáng tác lớn với nhiều loại hình như mỹ thuật, hội họa, nhiếp ảnh... để các nghệ sĩ khắp năm châu có cơ hội tự giới thiệu về mình…
Trước sự băn khoăn của công chúng về việc bảo đảm an ninh, trật tự cho festival, bà Nguyễn Nga cho biết: Năm nay, BTC sẽ sử dụng phương pháp mã vạch để khống chế lượng người lên cầu. Theo đó, mỗi đợt chỉ có khoảng 1.500 người được lên cầu để thưởng thức các hoạt động văn hóa đặc sắc. Khu ẩm thực, các gian hàng giới thiệu sản phẩm và chỗ gửi xe đều được đưa sang đầu cầu phía Gia Lâm nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự lộn xộn.
Đó là khẳng định của các nhà tổ chức sự kiện, cũng là thước đo để công chúng thẩm định sự thành công của lễ hội. Mong rằng, các nhà tổ chức sẽ làm được nhiều hơn những gì đã nói để công chúng không phải thêm một lần hy vọng rồi thất vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.