(HNM) - Triển lãm 50 bức ảnh quý hiếm về
Anh Vũ Kiều Phong - nhân vật trong ảnh của Michel Blanchard đến xem triển lãm. |
Ngoài chiêm ngưỡng hình ảnh cuộc sống đời thường của người dân sau ngày thống nhất Tổ quốc, người xem còn có thể hiểu hình ảnh đất nước một thời đã được lan truyền khắp thế giới như thế nào.
Triển lãm của Michel Blanchard thu hút rất nhiều khán giả tới xem. Có người mong thấy lại kỷ niệm về một thời đã qua, người tò mò muốn biết vài ba chục năm trước mọi người đã sống thế nào… Đã có nhiều người nước ngoài mở triển lãm ảnh về Việt Nam, một số khá thành công. Tại sao những tấm ảnh của Michael vẫn có sức hút lớn đến vậy? Tác giả khiêm tốn nói: "Tôi không phải nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nên thật khó để so sánh với những tác phẩm khác về mặt nghệ thuật. Có lẽ, tính thời điểm là sự khác biệt của những bức ảnh này".
Ảnh triển lãm được Michel chụp khi ông là phóng viên thường trú tại Việt Nam vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Đó chỉ là số ít trong hàng nghìn bức ảnh của Michel chụp về Việt Nam, không chỉ phục vụ cho các bài báo. Michel có thói quen chụp ảnh khi đến bất cứ đất nước nào, coi đó là thú vui sau giờ làm, một cách nắm bắt vẻ đẹp cuộc sống. Ngoài thời gian thường trú tại Việt Nam (từ tháng 6-1981 đến tháng 6-1983), ông trở lại Việt Nam nhiều lần sau đó, chụp ảnh và viết sách du lịch. "Tất cả đều cuốn hút tôi, từ con người, cảnh quan, những ngành nghề nhỏ đến kiến trúc, ánh sáng… Khi xem một số bức ảnh, thậm chí tôi còn "thấy" lại cả mùi hương. Việt Nam và nhiếp ảnh là hai cuộc gặp gỡ tuyệt vời trong cuộc đời tôi" - Michael cho biết.
Phần lớn số ảnh nói trên được chụp bằng phim màu, rất hiếm có ở thời điểm ấy. Ảnh chụp tự nhiên, rõ vẻ đời thường, bắt đầu từ phố Phùng Khắc Khoan (Hà Nội) - nơi đặt Văn phòng đại diện AFP - với "Em Phong, một ngày mùa hè". Ông dắt người xem đến khắp phố phường Hà Nội: "Góc phố Trần Hưng Đạo và Bà Triệu", "Phố Hàng Đào, chợ Đồng Xuân", "Phố Chả Cá", "Hồ Tây", gặp "Thợ sửa xe đạp", "Người bán hàng thuốc lào", "Cặp vợ chồng Hà Nội nghỉ ngơi bên bờ hồ Hoàn Kiếm một ngày chủ nhật", "Tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng", "Trường học vào một buổi lễ"...
Michel chia sẻ rằng ông đặc biệt ấn tượng với Tết Việt Nam, nhớ đôi mắt to tròn như biết nói của một bé gái nhỏ, người trong ngày Tết đã dắt ông về nhà, cùng mẹ mời ông thưởng thức trà, bánh, mứt trong bầu không khí thật ấm cúng. Có lẽ vì thế mà ảnh về Tết Việt Nam có khá nhiều trong triển lãm này, cái nào cũng tươi tắn, từ "Cha và con, một ngày bên bờ hồ Hoàn Kiếm" đến "Chợ hoa Tết gần chợ Đồng Xuân", "Đào nương ca trù một ngày Tết, trước đền Ngọc Sơn", "Chợ hoa ngày Tết".
Michel không chỉ chụp Hà Nội. Những bức ảnh theo ông về sau những chuyến công tác xa Thủ đô của Việt Nam. Tất cả đều rất đẹp, từ "Cầu treo và những phiên chợ sớm ở Lạng Sơn", "Bên trong ngôi đền ở Chợ Lớn - TP Hồ Chí Minh", "Cửa hiệu ở Đà Lạt" đến "Cầu ở Hội An", "Thợ cắt tóc đường phố ở Huế", "Trẻ con Thái Đen trên đường đi Điện Biên Phủ", "Cầu gỗ cổ và vó đánh cá ở Phát Diệm, Ninh Bình"…
Michel nói rằng, thời điểm ở Việt Nam, ông phụ trách đưa tin cả về Lào và Campuchia, có rất nhiều thông tin trái ngược từ các phóng viên quốc tế so với những gì ông được chứng kiến và phản ánh. Ông chọn đưa sự thật, không chỉ về mặt chính trị, kinh tế mà còn về văn hóa, đời sống, du lịch, con người... Những bài báo đó kèm ảnh khắc họa chân thực về Việt Nam sau thống nhất, với nhiều khó khăn nhưng phơi phới lạc quan, tinh thần hăng hái xây dựng đời sống mới, đã thu hút độc giả thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Với ông, đó là trải nghiệm làm báo tuyệt vời nhất.
Với sự quan tâm của người xem Việt Nam đối với triển lãm này, Michel đã hẹn, rằng ông sẽ thực hiện một cuốn sách ảnh đầy đủ hơn về Việt Nam trong thời kỳ này. Cuốn sách ảnh có kèm những câu chuyện kể chi tiết về những gì liên quan mà ông vẫn còn "nhớ rõ mồn một".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.