(HNM) - Sau gần 2 năm thực hiện, bộ phim “Bão ngầm” - tái hiện sự khốc liệt của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, dự kiến sẽ được lên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam trong tháng 2 này. Trung tá, Tiến sĩ, nhà văn, nhà báo Đào Trung Hiếu (hiện công tác tại Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an), vừa là biên kịch, đồng thời là phó đạo diễn của bộ phim, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về sự khác biệt của tác phẩm này.
- “Bão ngầm” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do chính ông viết; đồng thời là biên kịch và phó đạo diễn nên có lẽ là người có thời gian gắn bó lâu nhất với bộ phim. Ông có thể chia sẻ về hành trình thực hiện bộ phim này?
- Sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2012-2015 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, được sự động viên, khích lệ của độc giả và đồng đội, tôi đã dành 2 năm để chuyển thể tiểu thuyết thành kịch bản phim truyền hình cảnh sát hình sự, với độ dài 75 tập. Phim do đạo diễn Đinh Thái Thụy dàn dựng, được đầu tư lớn, sử dụng máy quay công nghệ 4K chuyên dùng trong sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp, âm thanh thu trực tiếp tại hiện trường. Đoàn làm phim dành hơn một năm rong ruổi khắp 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Yên Bái, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương. Dàn diễn viên trong phim rất có thực lực, gồm cả diễn viên gạo cội như các Nghệ sĩ nhân dân Trần Nhượng, Nguyễn Hải; Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trọng Hải và những gương mặt đang tạo dấu ấn trên truyền hình gần đây: Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà, Nguyễn Xuân Hiệp…
- Ông có thể tiết lộ đôi chút về nội dung của “Bão ngầm”?
- Bộ phim tái hiện hành trình của lực lượng cảnh sát điều tra bóc gỡ một đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trong đó, tên trùm mafia lại ẩn dưới vỏ bọc là chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn. Nhân vật chính là Đại úy Đào Hải Triều (Đội phó Đội án tuyến địa bàn, Phòng PC04, Công an tỉnh Hưng Hòa). Anh và đồng đội bằng bản lĩnh, mưu lược, tài nghệ đã lần theo dấu vết, vào tận hang ổ tội phạm, đối diện với vô vàn hiểm nguy, thậm chí cả cạm bẫy, thử thách để có những bước tiến trong đấu tranh chuyên án. Cuộc chiến đấu với tội phạm thực chất làm nền cho cuộc đấu tranh làm trong sạch lực lượng, cuộc đấu tranh trong đáy sâu nội tâm của người lính khi đứng trước những sự lựa chọn…
Cùng với câu chuyện phá án, phim cũng phản ánh cuộc sống giản dị, mộc mạc, hoàn cảnh gia đình hay đời sống tâm lý, tình cảm của những người lính trinh sát giỏi nghiệp vụ, giàu đức hy sinh.
- Từ tiểu thuyết đến kịch bản và phim có sự thay đổi nào không, thưa ông?
- Có nhiều thay đổi từ tiểu thuyết đến phim theo hướng tích cực. Ví dụ như kịch bản ban đầu tôi chuyển thể từ tiểu thuyết được nhà văn, nhà biên kịch - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ và đạo diễn Đinh Thái Thụy góp ý là “mất cân bằng giới tính”, e khó hấp dẫn khán giả truyền hình. Vì tôi viết nhiều về lực lượng trinh sát, tội phạm ma túy và hầu hết là nam giới, thiếu hẳn “những bóng hồng”. Tôi tiếp tục dành hai tháng để viết lại kịch bản, bổ sung tuyến nhân vật nữ, những câu chuyện tình cảm gia đình, lứa đôi để phim mềm mại hơn…
- Trước đây đã có rất nhiều loạt phim về cảnh sát hình sự, cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và gây tiếng vang. Vậy, “Bão ngầm” có điều gì khác biệt?
- Điểm khác nhau lớn nhất của “Bão ngầm” so với loạt phim về đề tài cảnh sát hình sự nổi tiếng trước đây là ở sự chân thật. Bởi tôi viết tiểu thuyết, chuyển thể kịch bản và làm phó đạo diễn từ kinh nghiệm thực tiễn gần 20 năm trực tiếp chiến đấu với tội phạm ma túy, điều tra trọng án, phòng chống tội phạm công nghệ cao. Tôi từng vào hang ổ bắt tội phạm, bị chúng tra tấn, dùng nhiều thủ đoạn ác hiểm để lung lạc… Tôi đã chỉ đạo diễn xuất các cảnh liên quan đến nghiệp vụ. Bên cạnh đó, phim huy động lực lượng hùng hậu hàng trăm công an chính quy với trang thiết bị, khí tài hiện đại của ngành Công an tham gia...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.