(HNM) - Chưa đầy 10 năm, ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đã xảy ra 3 vụ hỏa hoạn tại các khu nhà gỗ, vụ nào cũng hết sức nghiêm trọng. Việc di dời khẩn cấp các hộ dân sinh sống trong khu nhà nhếch nhác đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ", thế nên mới xảy ra vụ cháy kinh hoàng ngày 26-8 vừa qua.
Ngôi nhà mới tạm cư của các hộ dân tại phường Phú Thượng. |
Nguy cơ đã được báo trước
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy làm một người thiệt mạng, mọi ngả đường dẫn vào khu nhà gỗ C8 nằm trên đường Hồng Hà bị phong tỏa. Khu nhà gỗ giờ là những đống tro than, những gia đình bỗng chốc mất sạch gia tài chỉ biết đứng từ xa thất thần nhìn vào vị trí nơi trước kia mình từng sống. Cả khu phố vẫn chưa hết bàng hoàng. Hầu hết các hộ dân khu nhà C8 đều là người lao động nghèo hoặc đã về hưu. Nhiều gia đình đã mua được nhà nơi khác có điều kiện sống tốt hơn, nhưng vẫn lưu luyến nơi “nhất cận thị, nhị cận giang” nên không chịu bán nhà mà để cho thuê.
Nhà C8 gồm 2 tầng nằm trong 17 khu nhà gỗ ở phường Chương Dương từng tốn không ít giấy mực của báo giới về độ xập xệ, xuống cấp. Mỗi tầng có hơn chục căn hộ, xây dựng cách đây hàng chục năm. Sau trận hỏa hoạn năm 2007 thiêu rụi một trong 17 khu nhà gỗ, đơn vị chủ quản là Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm mới chỉ có một biện pháp duy nhất là xuống kiểm tra và gia cố thêm phần cột sắt vào cạnh những cột gỗ để ngôi nhà tạm đứng vững chắc. Qua thời gian, hàng cột sắt cũng trở nên tồi tàn, xuống cấp. Cả dãy nhà tập thể dài dằng dặc sâu tun hút mà chỉ có một lối đi độc đạo rộng chừng 1m, chạy suốt chiều dài khu nhà. Theo bà con, trước đây khu C8 cũng có hai lối đi vào ở hai đầu nhưng nay chỉ còn một, lối đi kia đã bị một hộ dân lấn chiếm, xây bịt kín lại. Nhiều hộ dân ở tầng 2 cũng đua nhau xây "chuồng cọp" nên ở đây nếu không bật điện thì tối om, ánh sáng không đủ sức lọt qua những khe ván nhỏ bịt kín cả bốn bề. Nguy cơ xảy ra cháy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo từ lâu, bởi toàn bộ kết cấu ngôi nhà được xây bằng gỗ, trong khi dây điện mắc chằng chịt. Cũng do bị bịt mất lối đi mà khi xảy ra cháy mọi người không kịp trở tay, chỉ cố gắng chạy thoát thân nên hầu như chẳng ai kịp mang theo tài sản.
Biết nguy hiểm mà không chịu di dời?
Năm 2006, trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của khu nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thu hồi hơn 7.900m2 đất của các nhà số 1, 2, 3, 4A, 6, 15 và 19 để lập dự án xây dựng, cải tạo. Thành phố đã giao Ban QLDA nguồn vốn ngân sách (khi đó thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất) làm chủ đầu tư, trước mắt là di chuyển khẩn cấp các hộ gia đình đến nơi an toàn; cùng với UBND quận Hoàn Kiếm thành lập Hội đồng GPMB, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình TP phê duyệt. Mốc giới thực địa đã được xác định. Các thông tin dự án đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Chương Dương. Tuy nhiên, dự án được coi là bước đột phá giải quyết 17 nhà gỗ nguy hiểm ngoài đê sông Hồng sau rất nhiều năm dùng dằng đến nay vẫn chỉ… nằm trên giấy!
Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuân cho biết, TP và các sở, ngành, quận Hoàn Kiếm cũng rất quyết tâm nhưng lúc triển khai mới thấy "vướng" các quy định pháp luật về đê điều. Quy hoạch thoát lũ chưa có, chỉ giới hành lang thoát lũ chưa có, quy định không cho phép xây dựng ở ngoài đê… nên không lập được dự án. Tính ra, TP mới di dời được một nhà gỗ, là khu nhà bị cháy trước đó. Số nhà gỗ còn lại cơ bản do người dân tự cải tạo, xây dựng lại. Thống kê trong số 17 nhà gỗ ngoài đê, hiện còn khoảng 8-9 nhà. Sau vụ cháy ngày 26-8, Sở Xây dựng đã bố trí 46 căn hộ tạm cư tại nhà A2 Phú Thượng, Tây Hồ. Đến chiều 27-8, đã có 19 hộ dân chuyển đến.
Trả lời câu hỏi về "số phận" của các khu nhà gỗ còn lại, ông Tuấn cho biết, Sở Xây dựng tham mưu TP giải quyết dứt điểm theo hướng giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, lập dự án cải tạo, di dời. Sở Xây dựng có trách nhiệm lo nhà tạm cư cho các hộ dân nếu các khu nhà gỗ được xây dựng lại hoặc bố trí tái định cư nếu TP thu hồi đất sử dụng vào mục đích công cộng (như vườn hoa…). "Điểm thuận lợi là quy hoạch hành lang thoát lũ đã có. Bên cạnh đó, TP cũng đã nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng nên cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc trước đây" - ông Tuấn nói.
Ngay trong đêm 26-8, gia đình chị Đỗ Thị Ước đã được bố trí tạm cư tại nhà A2 Phú Thượng. Ảnh: Dương Hiệp |
Ngày 27-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký công văn số 6629 giao nhiệm vụ cho UBND quận Hoàn Kiếm làm đầu mối, chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khảo sát, tổ chức di dời các hộ dân C8 phường Chương Dương vừa bị cháy ngày 26-8 đến nơi ở mới. Sở Xây dựng có trách nhiệm bố trí, sắp xếp quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân theo đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm. Võ Lâm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.