Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái diễn tình trạng lộn xộn về trật tự đô thị: Lỏng quản lý, yếu chế tài

Thành Tâm| 26/10/2013 08:31

(HNM) - Câu chuyện về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông ở Thủ đô luôn là chủ đề nóng với những bất cập trong quản lý...

Vỉa hè đường Hai Bà Trưng (Khu vực Bệnh viện K) được sử dụng làm nơi trông xe, người đi bộ buộc phải xuống lòng đường. Ảnh: Bá Hoạt



Một điều dễ nhận thấy ở nhiều đô thị là tình trạng họp chợ vô tội vạ, lâu dần hình thành các điểm chợ cóc, chợ tạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vừa nhếch nhác, mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị, vừa cản trở giao thông. Cách đây 5 năm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 20 (16-4-2008) về quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Gần một năm sau, Ban chỉ đạo (BCĐ) 197 thành phố có kế hoạch dẹp các điểm chợ cóc, chợ tạm và đưa vào danh sách 57 tụ điểm cần giải tỏa. Những ngày đầu thực hiện kế hoạch, 50/57 tụ điểm đã được giải tỏa. Một thời gian sau đó, các địa phương có tụ điểm chợ cóc, chợ tạm cần giải tỏa đã duy trì được lực lượng chốt giữ, hạn chế được tình trạng buôn bán, kinh doanh lộn xộn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng tái họp chợ cóc, chợ tạm có xu hướng phức tạp trở lại, không những thế còn phát sinh các tụ điểm mới, nhất là tại các trục đường mới mở, giáp ranh. Gần đây nhất (cuối tháng 8-2013), cơ quan chức năng xác định toàn thành phố còn 112 điểm chợ cóc, chợ tạm. Tại các điểm chợ này cũng tồn tại nhiều vi phạm, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân vẫn là do các địa phương không đủ lực lượng để làm nhiệm vụ chốt giữ, ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, do các khu đô thị mới không đồng bộ về hạ tầng, thiếu quy hoạch chợ dân sinh nên chợ phải "nhảy" ra vỉa hè, xuống lòng đường. Nguyên nhân về mặt xã hội là do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, tại nông thôn, ngoại thành người dân đang từ làm nông trở thành tiểu thương, chiếm lĩnh các chợ cóc nội đô. Một lý do nữa là do đời sống kinh tế còn khó khăn nên thói quen mua bán tại các điểm chợ cóc, chợ tạm vẫn phổ biến...

Một tình trạng khác cũng đáng lo ngại là hiện tượng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh trái phép, trông giữ phương tiện trái phép diễn ra phức tạp. Mặc dù dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều lần, các cơ quan chức năng đã ra quân xử lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. BCĐ 197 TP Hà Nội cho biết, một số điểm vi phạm lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng đã được các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử lý 2-3 lần, nhưng sau đó các đơn vị quản lý không duy trì được. Tại một số khu đô thị mới, do buông lỏng quản lý nên hiện tượng này bùng phát mạnh. Đơn cử như ở địa bàn huyện Từ Liêm, khu vực đường Đỗ Đức Dục, khu Đại lộ Thăng Long (đoạn tiếp giáp cổng Trung tâm hội nghị quốc gia) vẫn tồn tại tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp xây dựng trái phép để kinh doanh buôn bán hàng ăn, sửa chữa, rửa xe, tập kết vật liệu xây dựng, đổ phế thải bừa bãi, gây mất TTATGT, TTĐT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị...

Để dẹp được chợ cóc, các địa phương cần duy trì lực lượng tại chỗ chốt giữ, không để chợ cóc tái phát, đồng thời phải có quy hoạch, bố trí địa điểm hợp lý để chợ hoạt động phục vụ nhu cầu buôn bán, tiêu dùng chính đáng của người dân. Kinh nghiệm được BCĐ 197 thành phố chia sẻ, những địa phương nào duy trì được lực lượng chốt giữ, quy hoạch điểm họp chợ, thì chợ cóc không tái họp. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở nếu để xảy ra các điểm vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thượng tá Hoàng Thuyết, Phó Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, CATP nhận định, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng để thiết lập TTĐT một cách bền vững cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Chỉ còn vài tháng nữa là đến dịp Tết Nguyên đán, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ xe chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp, kèm theo những vi phạm khác về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở vào cuộc tích cực và trách nhiệm hơn nhằm bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ nhân dân đón Tết, bảo đảm văn minh và kỷ cương đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái diễn tình trạng lộn xộn về trật tự đô thị: Lỏng quản lý, yếu chế tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.