(HNM) - Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, năm 2012, doanh nghiệp bất động sản nên đầu tư kinh doanh những sản phẩm hàng hóa mà xã hội có nhu cầu, đặc biệt cần chú trọng thực hiện tái cơ cấu sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
- Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá của Bộ Xây dựng đối với thị trường BĐS trong năm 2011?
- Có thể khẳng định, năm 2011 là năm hết sức khó khăn với các DN ngành xây dựng nói chung, các DN kinh doanh BĐS nói riêng. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại trong nước, như cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tín dụng BĐS, lãi suất vay vốn thương mại tăng cao đã tác động đến kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của hầu hết các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh BĐS đã từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn những bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, chiến lược, kế hoạch SXKD của bản thân một số DN cũng chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường, cơ cấu sản phẩm, giá cả, phương thức thanh toán chưa hợp lý, tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến. Trước diễn biến phức tạp của thị trường, vai trò của Nhà nước cũng như các chủ thể tham gia thị trường cần phải được tăng cường, hoàn thiện để giúp các DN SXKD có hiệu quả, vừa góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội.
- Điểm yếu của thị trường BĐS là phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và việc phụ thuộc như vậy đã khiến cho thị trường này đóng băng suốt thời gian qua. Bộ trưởng nghĩ thế nào về nhận định này?
- Trước hết cần khẳng định rằng nguồn vốn đầu tư của các dự án kinh doanh BĐS không chỉ phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng, mà còn được huy động từ nhiều kênh khác nhau. Việc đóng băng của thị trường BĐS bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có quan hệ cung - cầu của cơ chế thị trường. Ngoài nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, pháp luật kinh doanh BĐS quy định bắt buộc các chủ đầu tư dự án phải bảo đảm có một phần tỷ lệ vốn nhất định thuộc sở hữu của mình, tối thiểu khoảng 15-20% tổng mức đầu tư tùy theo quy mô của dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có thể huy động vốn thông qua hình thức liên doanh, liên kết với nhà đầu tư khác và được phép huy động tiền ứng trước của khách hàng, tức là tiền góp vốn hoặc mua bán BĐS hình thành trong tương lai.
Việc nhà đầu tư kinh doanh BĐS phải vay vốn của các tổ chức tín dụng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chiến lược, kế hoạch SXKD của DN cũng như phương án huy động tài chính và hiệu quả đầu tư của từng dự án cụ thể. Các dự án có cơ cấu sản phẩm hàng hóa hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của số đông khách hàng rất dễ huy động được nguồn vốn đáng kể tiền ứng trước của khách hàng, tiền góp vốn của các nhà đầu tư thứ cấp... Ngược lại, các dự án kém hấp dẫn về vị trí, giá cả, cơ cấu sản phẩm... sẽ rất khó thu hút sự tham gia góp vốn, liên doanh, liên kết của khách hàng cũng như các nhà đầu tư khác. Do vậy, nhà đầu tư buộc phải vay vốn của các tổ chức tín dụng theo lãi suất thị trường, từ đó tiến độ dự án sẽ phải phụ thuộc vào khả năng cũng như điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của dự án đó.
Ổn định thị trường bất động sản góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Xuân Chính |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.