(HNM) - Những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu thế giới song ngành nông nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế.
Vì vậy, nếu không sớm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản thì nông nghiệp Việt Nam khó có thể phát triển bền vững. Đó cũng là nội dung chính tại hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra chiều 6-6.
Nhiều hạn chế
Năm 2012 là năm giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn được duy trì và phát triển, góp phần rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu với số lượng lớn song giá trị lại thấp hơn so với các quốc gia khác. Đặc biệt, người làm nông nghiệp có mức thu nhập rất thấp...
Đáng lưu ý, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm không cao. Dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thứ hạng về xuất khẩu nông sản nhưng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gây nhiều bức xúc, cản trở nông sản thâm nhập thị trường thế giới. Những bất cập trong quản lý chất lượng cùng với cung cách làm ăn manh mún khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hậu quả trên xuất phát từ kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến (kho tàng sân phơi, bến bãi...) kém phát triển. Doanh nghiệp chế biến nông sản hầu hết có quy mô nhỏ, chất lượng không bảo đảm. Phần lớn nông sản đang được xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng rất thấp. Ngoài những yếu tố trên, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn thời gian qua thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển của ngành.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của ngành, đồng thời cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng.
Thực tế, để ngành nông nghiệp phát huy hết tiềm năng, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch về thủy lợi, nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản để khắc phục những hạn chế đang tồn tại; tăng cường thể chế cho phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường; không sản xuất tự phát mà sản xuất theo nhu cầu. Đặc biệt, phải khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân, trong đó Nhà nước chuyển vai trò từ nhà cung cấp sang vai trò hỗ trợ và điều phối. Với sự phát triển của khu vực tư nhân và các tổ chức chính trị xã hội, Nhà nước sẽ chuyển giao một số dịch vụ công cho tư nhân và các tổ chức xã hội. Qua đó, mối liên kết "bốn nhà" được thực hiện, mô hình sản xuất theo chuỗi được hình thành. Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, mỗi lĩnh vực trong ngành cũng phải đổi mới, trong đó chú trọng phát triển công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến các sản phẩm phụ và xử lý chất thải từ quá trình chế biến nông sản. Ngoài ra, phải sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp ký kết hợp đồng nông sản với các tổ nhóm nông dân. Đời sống nông dân tăng, hiệu ứng xã hội lớn mới là mục tiêu then chốt của tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.