(HNMO) - Chiều 12-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu cũng đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
“Kế hoạch đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra về tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp.
Về danh mục các chương trình, đề án trong kế hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát, thu gọn, tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các chương trình, đề án, bảo đảm sau khi thông qua được triển khai thực hiện ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2021-2025.
Cần bảo đảm tính khả thi, bền vững
Thảo luận về tờ trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ rà soát các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2016-2020, cập nhật đánh giá tác động của dịch Covid-19, từ đó có giải pháp đột phá, khắc phục tồn tại, hạn chế và giải quyết những vấn đề mới đặt ra cho phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lo ngại khó đạt mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 3% do ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025. “Do đó, việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cần bảo đảm tính khả thi, bền vững”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy lưu ý Chính phủ quan tâm đến tài nguyên số, đặc biệt là dữ liệu số trong phát triển kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị cần có biện pháp đo lường nền kinh tế số trên cơ sở tiếp cận, đo lường 3 khu vực chủ yếu của kinh tế số là trang thiết bị số, kinh doanh trên các nền tảng và số hóa của các ngành.
Cho ý kiến vào tờ trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, giai đoạn 2016-2020, khả năng huy động vốn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn hạn chế; đổi mới sáng tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa tạo được dấu ấn nổi bật, chưa tương xứng với tiềm năng; tính tự chủ của nền kinh tế, ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn... Đây là những vấn đề cần có các giải pháp cải thiện trong thời gian tới.
Trong giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ cần phân tích thêm bối cảnh, tác động đến các vấn đề kinh tế - xã hội khi dịch bệnh còn kéo dài, chưa đoán định được hết tác động. Tiến độ phục hồi nền kinh tế phụ thuộc vào tiến độ bao phủ vắc xin và quy mô các biện pháp hỗ trợ, trong khi nền kinh tế có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
“Kế hoạch tái cơ cấu của giai đoạn này phải gắn với chương trình tổng thể phục hồi, phát triển nền kinh tế, tăng tính tự chủ của nền kinh tế. Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển nền kinh tế vừa phải trọng “cung”, nhưng phải kích “cầu”. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là các thị trường vốn, khoa học - công nghệ và lao động...”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kế hoạch làm rõ nét hơn các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phải đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp để có giải pháp phù hợp… Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo kế hoạch trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.