(HNM) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang có những bước đi vững chắc trong việc thực hiện tái cấu trúc hoạt động. Cũng từ quá trình tái cơ cấu, VNPT có nhiều điều kiện trong việc đầu tư phát triển mạng lưới, chú trọng hơn đến tổ chức hệ thống kênh bán hàng và chăm sóc khách hàng thống nhất, xuyên suốt trên toàn quốc…
Nhìn lại chặng đường sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu (2014-2015), thời điểm đó VNPT đã bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ và tăng trưởng ngoạn mục so với trước. Đến cuối năm 2015, VNPT đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra trong Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 3 lớp: Hạ tầng - dịch vụ - kinh doanh theo phương châm chuyên biệt - khác biệt - hiệu quả.
Hoạt động giao dịch tại Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Trước tái cơ cấu, VNPT không có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, thì đến năm 2015 đã có 15.000 nhân viên chuyên kinh doanh. Đồng thời, Tập đoàn cũng đã hoàn thiện mô hình và đưa vào hoạt động 3 tổng công ty: Dịch vụ viễn thông (VNPT-VinaPhone), Hạ tầng mạng (VNPT-Net) và Truyền thông (VNPT-Media). VNPT cũng áp dụng cơ chế trả lương 3Ps nhằm khuyến khích người lao động, bố trí và sử dụng lao động theo hướng hiệu quả hơn, năng suất lao động cũng như thu nhập của cán bộ, công nhân viên được cải thiện rõ rệt.
Hiệu quả của công cuộc tái cơ cấu trong 2 năm đầu (2014-2015) của VNPT thể hiện rõ nét nhất ở mảng doanh thu. Cụ thể, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2016, doanh thu của công ty mẹ VNPT tăng từ 42.675 tỷ đồng lên 47.697 tỷ đồng, doanh thu toàn tập đoàn tăng từ 43.401 tỷ đồng lên 53.350 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty mẹ tăng từ 2.133 tỷ đồng lên 4.023 tỷ đồng, lợi nhuận toàn tập đoàn tăng 2.187 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 2 năm, lợi nhuận tăng lên gấp đôi cho dù doanh thu không tăng nhiều. Chưa kể số lượng thuê bao các dịch vụ của VNPT cũng tăng mạnh như số thuê bao di động VinaPhone tăng từ 20,128 triệu thuê bao lên 31,661 triệu thuê bao; dịch vụ băng rộng cố định chiếm 47% thị phần.
Ngày 29-12-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 2129/QĐ-TTg phê duyệt Phương án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2018-2020. Theo đó, năm 2018, VNPT tiếp tục thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh. Cụ thể, VNPT sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang các giải pháp viễn thông và công nghệ thông tin thông qua việc thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT-IT với chức năng phát triển các giải pháp công nghệ thông tin, tập trung nguồn lực công nghệ thông tin của VNPT. Cùng với đó, VNPT đã đề ra những bước đi chiến lược để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số 1 của Việt Nam và trung tâm số của khu vực trong một vài năm tới.
VNPT tiếp tục phát huy thế mạnh của mô hình tổ chức 3 lớp theo nguyên tắc cộng sinh, giám sát và thúc đẩy lẫn nhau phát triển, đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả, tự chủ trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được thông qua việc tiếp tục duy trì VNPT - VinaPhone theo mô hình hạch toán độc lập, sắp xếp lại các chức năng nhiệm vụ của Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I) để thống nhất một đầu mối bán hàng toàn bộ các dịch vụ của VNPT. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư và mở rộng thị trường ra nước ngoài của VNPT sẽ được đẩy mạnh. Các hoạt động tái cấu trúc, chuyển giao phần vốn góp và sáp nhập các công ty con vẫn sẽ được thực hiện triệt để.
Cũng theo kế hoạch, cuối năm 2019, VNPT sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO). Khi đó, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu; 35% còn lại sẽ được chào bán cho nhà đầu tư. Với những năm kinh nghiệm tái cấu trúc trước đó, lãnh đạo Tập đoàn VNPT tin tưởng sẽ thực hiện thành công việc cơ cấu lại và vẫn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.