Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình - động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội

Thanh Hiền| 30/09/2020 17:38

(HNMO) - 5 năm qua, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

Ảnh minh họa.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, khi Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành với những giải pháp cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện, đã mang đến những kết quả ấn tượng.

Trong đó, nổi bật nhất là giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng bình quân 7,39%/năm, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (bình quân 6,93%/năm). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân tính theo đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, tỷ trọng các nhóm ngành phi nông nghiệp luôn ở mức cao trong nền kinh tế; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09% (năm 2015 là 2,54%). Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 7,12%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu bình quân 12,1%/năm và Hà Nội xếp trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Ở lĩnh vực công nghiệp, thành phố đã có định hướng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường… Do vậy, sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, dự kiến 5 năm 2016-2020, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt bình quân 8,3%/năm. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Đáng chú ý, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (năm 2019 đạt gần 300 nghìn tỷ đồng), với 16.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn...

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên, đóng góp nhiều nhất vào GRDP, tăng từ mức 37,5% năm 2015 lên hơn 40% vào GRDP năm 2019. Xu hướng này còn tiếp tục diễn ra, thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, các cấp, ngành thành phố đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết hội nhập. Hà Nội đã hoàn thành cơ bản hệ thống các quy hoạch và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, thành phố tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Hiện, Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, khai hải quan điện tử đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.

Mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, tích hợp các dịch vụ tiện ích trong đăng ký kinh doanh, được triển khai từ năm 2017 đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian khởi sự kinh doanh… Qua đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm và Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội năm 2019 xếp thứ hai cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2015).

Bên cạnh đó, các cấp, ngành thành phố Hà Nội tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Kết quả là trong 5 năm 2015-2020, Hà Nội có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hà Nội đã được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm 2018, xếp vị trí thứ 9/63 địa phương, tăng 4 bậc so với năm 2017. Đây là năm thứ bảy liên tiếp, chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng, đạt mục tiêu đã đề ra là “đến năm 2020, chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”. Đây chính là nguồn lực quan trọng để giúp thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình - động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.