(HNM) - Kết luận phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, cần phải đổi mới tư duy, phương pháp luận và có cách tiếp cận toàn diện hơn, lấy người dân là trung tâm, việc xây dựng chính sách đều hướng tới người dân. Người dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể triển khai các giải pháp của chiến lược…
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Quan điểm, mục tiêu của chiến lược là thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác. Hệ thống tài chính Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, giúp mọi người dân được thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế.
Thực tế, mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp, đặc biệt là các kênh cung ứng dịch vụ trên nền tảng internet, điện thoại di động, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Trong đó, đối với người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa có thêm phương thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ…
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đây là đối tượng chịu thiệt thòi khi tiếp cận tài chính chính thức và thường là nạn nhân của “tín dụng đen”. Cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi, lãi suất lên tới hàng nghìn phần trăm, với nạn nhân là người nghèo, người thu nhập thấp. Khi gặp khó khăn về tài chính, nhóm đối tượng này khó tiếp cận kênh chính thức do không đáp ứng được điều kiện và trở thành “miếng mồi” cho “tín dụng đen”. Vì thế, yêu cầu lấy người dân là trung tâm, mọi chính sách đều hướng tới người dân vừa mang tính toàn diện song cũng giải quyết cả những vấn đề cụ thể, như nạn “tín dụng đen”. Bởi đơn giản, nếu có hình thức cho vay chính thức phù hợp, người dân không phải tìm đến “tín dụng đen”.
Hệ thống tài chính Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giúp mọi người dân được thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế. Thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân, trong đó chú trọng đến người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế khác, chính là “đầu bài” đặt ra với các cấp, ngành. Điều đó có nghĩa, không chỉ nhận thức đầy đủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các cấp, ngành phải chủ động, sáng tạo triển khai nhiệm vụ được giao đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, nhất là sự mong đợi của người dân.
Đi đôi với đó là truyền thông, hướng dẫn người dân tiếp cận sản phẩm chính thức, như quỹ tín dụng nhân dân, dịch vụ hỗ trợ tài chính qua Ngân hàng Chính sách, đoàn thể xã hội…; xây dựng các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tài chính thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Truyền thông để người dân hiểu hậu quả của “tín dụng đen”, đấu tranh, triệt phá các đường dây “tín dụng đen” nhưng đồng thời cũng phải có sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Xóa sổ ngay “tín dụng đen” lúc này không dễ, nhưng với chính sách tài chính toàn diện mà người dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể triển khai các giải pháp và khi hệ thống tài chính phát huy vai trò của mình, chắc chắn “tín dụng đen” không còn đất diễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.