Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ: Thu hẹp để sống?

Khánh Vũ| 08/12/2015 06:33

(HNM) - Đối mặt với nguy cơ đóng cửa, hoạt động cầm chừng với số sinh viên chỉ bằng một phần mười chỉ tiêu, thậm chí còn thấp hơn nữa, là tình trạng của không ít trường ĐH, CĐ từ vài năm nay. Khi những giải pháp mang tính căn bản cho thực trạng này như cơ cấu ngành nghề, phân tầng ĐH chưa đem lại

Lay lắt đến bao giờ?

Có nhiều nguyên nhân khiến các trường ĐH, CĐ đứng trước nguy cơ đóng cửa là chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của nhà tuyển dụng, điều kiện bảo đảm chất lượng kém xa cam kết ban đầu. Nhằm tìm ra giải pháp khắc phục, Bộ GD-ĐT đã tiến hành những đợt rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo, nhất là về việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên. Kết quả cho thấy, ở nhiều trường, có một số ngành đào tạo không tuyển sinh được do người học không có nhu cầu nhưng các ngành đó vẫn được duy trì. Nhà trường không xem xét đánh giá lại nhu cầu của xã hội để đưa các ngành đó ra khỏi danh mục đào tạo.


Giờ học tin học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt



Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư 08 nêu rõ về điều kiện mở ngành đào tạo, nhưng một số trường đã không rà soát, bổ sung lực lượng để đáp ứng yêu cầu, bảo đảm chất lượng với những ngành được mở trước thời điểm đó. Bên cạnh đó, cũng có những ngành được mở theo Thông tư 08, nhưng sau khi mở ngành, nhà trường không duy trì được đội ngũ giảng viên, thiếu giảng viên cơ hữu. Một số ngành đào tạo không tuyển sinh được hoặc số sinh viên tuyển được quá ít nên nhà trường đã dừng đào tạo, dừng tuyển sinh trong một số năm. Việc dừng tuyển sinh, không duy trì ngành đào tạo liên tục cũng là nguyên nhân làm cho đội ngũ giảng viên không an tâm công tác, xin chuyển đến cơ sở khác.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều trường vẫn tiếp tục mở ra các ngành dễ tuyển, cốt chỉ để có sinh viên vào học. Về phía người học, mặc dù đã có những cảnh báo về việc bão hòa nhân lực song vẫn đổ xô vào học kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ… Do đó, dù tỷ lệ sinh viên/ vạn dân ở nước ta không phải là cao, song quy mô phát triển lại không cân đối, dẫn tới những bất hợp lý trong hệ thống đào tạo, nguồn lực nâng cao chất lượng bị suy yếu. Trong khi đó, theo thống kê từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, trên cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ, trung bình cứ mỗi tỉnh lại có 7 trường ĐH, CĐ và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH lại tăng mạnh theo từng năm. Năm 2013 chỉ tiêu ĐH là gần 300.000, đến năm 2014 là 370.000 và năm 2015 lên tới 439.000 chỉ tiêu.

Quyết liệt siết chỉ tiêu


Tình trạng tuyển sinh khó khăn và đào tạo lay lắt của một số trường hiện nay là một sự lãng phí nhân lực, tài nguyên to lớn. Trong khi những giải pháp căn cơ còn đang cần thời gian để kiểm nghiệm và cho thấy hiệu quả, các chuyên gia đang nhấn mạnh tới giải pháp mang tính kỹ thuật, đó là cơ cấu, sáp nhập các trường. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, có thể Bộ sẽ xem xét, tính đến phương án cơ cấu lại hệ thống các trường hợp lý hơn. Việc này còn tùy thuộc vào những điều kiện

cụ thể cũng như đề xuất của địa phương. Một trong những giải pháp được nhắc tới là nên thành lập phân hiệu của các trường ĐH lớn tại các địa phương thay vì cho thành lập mới. Hiện hành lang pháp lý cho việc sáp nhập các trường là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013 về "Điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường ĐH, học viện".

Quá trình đào thải khắc nghiệt này là giai đoạn phân tầng tự nhiên và mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế đây không phải là quy trình đơn giản. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết: Trường nào không tuyển sinh được 3 năm liên tiếp sẽ buộc phải dừng tuyển sinh. Sau đó, nếu vẫn không khắc phục được nguyên nhân ngừng tuyển sinh thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Thế nhưng trong năm 2015, mặc dù lay lắt, trường nào cũng tuyển được trên dưới 100 thí sinh.

Điều chỉnh lại các tiêu chí trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh hiện cũng là biện pháp quan trọng được Bộ GD-ĐT xem xét để có những giải pháp cho những kỳ tuyển sinh tiếp theo. Theo Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011, một trường được phép xác định số lượng chỉ tiêu tối đa có thể đào tạo dựa trên các điều kiện bảo đảm chất lượng. Các tiêu chí chủ yếu là số lượng giảng viên/ sinh viên và diện tích sàn xây dựng/ sinh viên. Tuy nhiên, việc thực hiện theo thông tư này thể hiện những điểm chưa hợp lý: Không bảo đảm sự cân đối giữa các ngành nghề đào tạo trong một trường, rộng ra là trong toàn hệ thống, tạo điều kiện cho một số ngành tăng quy mô quá mức còn ngành khác bị thu hẹp vì ít người học.

Hiện, Bộ GD-ĐT đang xem xét khả năng thay thế thông tư nói trên theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, thay đổi quan trọng nhất là sẽ có quy định về tỷ lệ chỉ tiêu cho từng khối ngành, tránh tình trạng dồn chỉ tiêu cho ngành dễ tuyển. Dự kiến, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ không được đào tạo CĐ, trung cấp trừ các trường thuộc khối ngành nghệ thuật và các trường trực thuộc tỉnh hoặc thành phố không có cơ sở đào tạo CĐ, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Dự thảo cũng yêu cầu các trường ĐH đang đào tạo CĐ mỗi năm phải giảm chỉ tiêu CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Còn các trường ĐH đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. Những biện pháp này được hy vọng sẽ góp phần cơ cấu nguồn nhân lực đồng thời khắc phục những bất hợp lý về chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ: Thu hẹp để sống?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.