Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cấu trúc các giải đấu

Mai Hoa| 30/09/2011 07:27

(HNM) - Không chịu đóng khung chương trình hội nghị trong việc chọn lựa, đề cử các cá nhân cho vị trí Trưởng giải, Trưởng ban Trọng tài… như định hướng ban đầu của LĐBĐ Việt Nam (VFF), ông chủ của các CLB đã chuyển hướng thảo luận sang vấn đề cốt yếu và cấp thiết hơn nhiều, đó là tái cấu trúc giải đấu V-League và hạng Nhất quốc gia.

Người hâm mộ vơi dần cùng những trận đấu mang nhiều yếu tố phi bóng đá. Ảnh: Như Ý


Đổi mới là yêu cầu cấp thiết

Hội nghị diễn ra trọn ngày 29-9 tại Hà Nội với sự góp mặt của hầu hết chủ tịch CLB bóng đá chuyên nghiệp và hạng Nhất. Sau phát biểu của lãnh đạo VFF, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã làm bầu không khí

Chủ tịch CLB Sài Gòn Xuân Thành Nguyễn Đức Thụy: “Không thể để tồn tại tình trạng khán giả không đến sân. Đó sẽ là lỗi ở VFF và bản thân các CLB”.
Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức: “Nếu VFF không thay đổi, chúng tôi sẵn sàng bỏ bóng đá chuyên nghiệp, thà đầu tư cho bóng đá trẻ, thậm chí đầu tư cho bóng đá Lào, Campuchia còn hơn”.
Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn: “Từ năm 2011, để phát triển bóng đá chuyên nghiệp, việc chuyển đổi mô hình là tất yếu”, cấp bách.

thực sự nóng lên với ý kiến thẳng thắn: "Chúng tôi nhận được phiếu thăm dò ý kiến của VFF. Nhưng thăm dò gì được khi chưa có sự thay đổi gì, chưa bàn bạc gì? Yêu cầu hiện nay không đơn giản là thay đổi con người ở một vài vị trí, mà phải thay đổi hệ thống quản lý, tái cấu trúc bộ máy hoạt động của giải đấu".

Sau khi ông Đoàn Nguyên Đức "mở đường", đến lượt Chủ tịch CLB Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên đăng đàn. Bài thuyết trình của ông Kiên kéo dài hơn một giờ, thu hút sự quan tâm của tất cả. "VFF chịu trách nhiệm tổ chức quá nhiều giải đấu nên để xảy ra nhiều bất cập, cần phải điều chỉnh theo khuyến nghị của FIFA và xu hướng bóng đá thế giới. Đề nghị xem xét việc thành lập Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để điều hành tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp". Theo ông Kiên, VPF được thành lập bởi các thành viên Giải VĐQG năm 2012 và VFF. Vốn điều lệ của VPF là 21,875 tỷ đồng, trong đó 14 CLB góp 14 tỷ đồng, chiếm 64,4% vốn điều lệ; VFF góp 7,875 tỷ đồng, chiếm 35,6%. VPF hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và thực hiện các quy định của VFF và FIFA. Các quyết định trọng yếu cần phải được trên 65% cổ đông thông qua. Với tỷ lệ 35,6%, VFF có quyền phủ quyết các quyết định trọng yếu của công ty nhằm thực hiện đúng định hướng. Với tỷ lệ 64,4%, các CLB có tiếng nói quyết định trong mọi hoạt động của VPF nhưng không được tự quyết định nếu không được sự ủng hộ của VFF thông qua người đại diện. Nếu các đại diện VFF muốn ra quyết định thì cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 1/2 số CLB. Như vậy, VFF nắm quyền chủ động, nhưng không thể áp đặt. Sau khi thành lập, mọi hoạt động của V-League sẽ do VPF tổ chức - tự chủ về tài chính. Từ mùa giải 2012, các CLB không phải đóng lệ phí và không phải trả chi phí trực tiếp cho BTC, trọng tài, giám sát.

Ông Nguyễn Đức Kiên cam kết: Nếu chủ trương thành lập VPF được thông qua, các thành viên góp vốn sẽ tiến hành thành lập công ty ngay trong tháng 10-2011 để bảo đảm thời gian tổ chức V-League năm 2012.

Lãnh đạo VFF ủng hộ đề án

Đường hướng thảo luận của hội nghị đã thực sự thay đổi khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ công khai ủng hộ đề án: "Có VPF chuyên tổ chức giải đấu là mong muốn của VFF. Nếu mô hình này sớm được tổ chức ở Việt Nam và có các doanh nghiệp hỗ trợ, đề nghị sớm thành lập Ban xây dựng đề án. Quan trọng là bảo đảm đúng luật". Ông Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: "Hiện nay, nguồn ngân sách từ Tổng cục TDTT chủ yếu chỉ chi cho đội U23 và đội tuyển nữ, còn lại VFF phải lo. VFF đang chuẩn bị đại hội thường niên, từ nay sẽ triển khai thêm việc này để kịp xong trước đại hội. Nếu mô hình VPF được áp dụng, bảo đảm sự công khai, minh bạch, lại có khả năng kiếm tiền tốt thì rất đáng ủng hộ". Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Phạm Ngọc Viễn cũng đánh giá đây là đề án hay, theo đúng định hướng phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

12h30, các đại biểu nghỉ trưa trong chưa đầy một giờ. Cuộc thảo luận buổi chiều hầu như chỉ còn xoay quanh việc tổ chức VPF và có nên để các CLB hạng Nhất cùng tham gia công ty này không, tỷ lệ vốn góp các bên ra sao… Ông chủ, lãnh đạo các CLB hầu hết đều lên tiếng ủng hộ đề án thành lập VPF với quan điểm "làm cái gì có lợi thì làm, đừng để tiêu cực xảy ra". Nhiều CLB hạng Nhất đã lên tiếng đòi được tham gia VPF, bởi "giải đấu có thể chậm khai cuộc, nhưng có sự quảng bá, tiếp thị hợp lý hơn cho giải thì mới có tài trợ" (Giám đốc Điều hành CLB Bóng đá TP Hồ Chí Minh Nguyễn Chí Kiên).

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều thống nhất chủ trương thành lập VPF. Đầu tuần tới, những người xây dựng đề án thành lập VPF sẽ cùng họp bàn với VFF để thành lập Ban công tác xây dựng đề án với mục tiêu hoàn thành đề án vào cuối tháng 10-2011, kịp đưa ra đại hội thường niên. Rõ ràng khi các ông chủ CLB quyết tâm vào cuộc, mọi sự đã chuyển hướng.

Và thế là quá đủ đối với một hội nghị của các ông bầu!

Trả quyền ký hợp đồng bản quyền truyền hình cho VPF
Trong đề án thành lập VPF, ông Nguyễn Đức Kiên cũng lên tiếng về bản quyền truyền hình (BQTH). Theo ông, VFF thừa nhận 50% tiền BQTH thuộc về các CLB và 50% thuộc VFF, nhưng VFF đã ký hợp đồng độc quyền 20 năm với AVG. "Hợp đồng này không được đại diện đủ thẩm quyền của các CLB thông qua. Vì vậy, đề nghị VFF trả quyền ký hợp đồng BQTH cho VPF. Tỷ lệ chia tiền BQTH là thỏa thuận giữa các CLB và VFF”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc các giải đấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.