(HNM) - Liên tiếp hơn một tháng qua, nhiều tai biến khi sinh đã gây chết nhiều người tại các bệnh viện, có tuyến huyện và có cả bệnh viện chuyên ngành đầy đủ người giỏi, thiết bị tốt ở các thành phố lớn.
Có thể tỷ lệ tai biến này không nhiều hơn so với trước kia nhưng việc chỉ hơn một tháng, xảy ra liên tục 13 vụ chết người ở 8 tỉnh trong cả nước là không chấp nhận được. Ai cũng biết tai biến khi sinh là rất lớn và phức tạp. Các cụ xưa đã nói "Người chửa cửa mả" và gọi việc sinh nở là "vượt cạn" có cái lý của nó. Nhưng đừng vì sự nguy hiểm trong sinh sản để đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan, không nhận trách nhiệm về mình. Mặt khác, nói như một bác sĩ trong ngành sản, mọi việc cần làm rõ trách nhiệm nhưng cũng đừng dồn thời gian vào việc quy lỗi cho nhau. Cái cần thiết nhất là hãy nhìn thẳng vào thực trạng và bàn biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tai biến sản khoa ở tầm vĩ mô, để tai biến sản khoa không cướp đi của chúng ta mỗi năm hơn 1.000 mạng người.
Cho dù nguyên nhân nào chăng nữa thì hầu hết các vụ tai biến khi sinh dẫn đến chết người dường như đều có liên quan đến thái độ thờ ơ, tắc trách, kể cả trường hợp bỏ phiên trực, mải ngủ… của bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý. Tức là ở một góc độ nào đó, y đức xuống cấp, lòng trắc ẩn bị chai lỳ trước sinh mệnh người khác là nguyên nhân của nhiều cái chết oan uổng. Nhưng nguyên nhân của sự tha hóa này ở đâu? Ở chính sự quá tải được tích tụ năm này qua năm khác trong công việc của một bộ phận cán bộ y tế; ở sự đãi ngộ quá bèo bọt mà họ được hưởng sau mỗi ca đỡ đẻ; ở những ẩn ức tâm lý hằng ngày mà họ mang đến bệnh viện.
Một nguyên nhân có thể phải kể đến là trình độ của cán bộ y tế. Do đào tạo không đến nơi đến chốn, do những tiêu cực trong khâu tổ chức; do thiếu tích lũy rèn luyện dẫn đến không nhạy cảm, chẩn đoán qua loa, chủ quan thậm chí chẩn đoán sai do trình độ kém. Nhưng chủ yếu vẫn là lương tâm người thầy thuốc. Không dám nói tất cả đội ngũ cán bộ y tế hiện nay là kém cỏi và tắc trách, nhưng giáo dục, kêu gọi và tạo điều kiện cho họ khôi phục y đức trong việc đỡ đẻ là việc làm cấp thiết, rất cần thiết phải tổ chức bồi dưỡng tay nghề, tập huấn, đào tạo chuyên môn kỹ thuật tiên tiến, đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ việc hành nghề của hệ thống hộ sinh tuyến dưới sẽ bảo đảm an toàn nhiều mạng sống, tiết kiệm tiền của, thời gian của xã hội, giảm sức ép cho chính ngành sản, nhất là các bệnh viện sản chuyên ngành ở trung ương đã quá tải như hiện nay.
Cuối cùng, phải nhắc lại cách đây hơn 20 năm, nước ta với sự giúp đỡ của các tổ chức trong Liên hợp quốc đã triển khai chương trình Chăm sóc sản khoa với kết quả rất tốt. Từ tỷ lệ tử vong khi sinh ở Việt Nam là 260/100.000, sau một chục năm, ta đã rút xuống còn 69/100.000, thấp hơn tỷ lệ bình quân trong khu vực 190/100.000 rất nhiều tuy còn rất xa mới theo kịp tỷ lệ 4/100.000 ca sinh ở các nước phát triển. Từ năm 2010, chương trình này gần như bị quên lãng. Nên chăng, cố gắng để khôi phục nó?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.