Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tách MobiFone khỏi VNPT: Tăng áp lực cạnh tranh để phát triển

Việt Nga| 21/02/2014 07:42

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT trong tháng 12-2013, trong đó ủng hộ phương án tách MobiFone để thành lập Tổng Công ty Thông tin di động.


Theo Bộ TT-TT, Bộ ủng hộ phương án tách MobiFone là có nhiều ưu điểm hơn (nếu so sánh với tách Vinaphone) như: Nhà mạng này có thương hiệu mạnh (từng được định giá 2 tỷ USD năm 2009); có mô hình kinh doanh và mạng lưới tương đối độc lập với các đơn vị khác trong tập đoàn (do trước đây có thời gian hợp tác với Comvik, Thụy Điển) nên nếu thực hiện chia tách sẽ nhanh hơn so với Vinaphone. Thêm vào đó, trong những năm qua MobiFone chiếm hơn nửa tổng lợi nhuận của VNPT, nên việc tách ra kinh doanh độc lập sẽ không những tạo cơ hội cho MobiFone tiếp tục phát triển năng động hơn mà còn buộc VNPT phải quyết liệt sắp xếp lại để hoạt động hiệu quả hơn. Đến thời điểm này, đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT vẫn đang được Chính phủ xem xét. Song, câu hỏi đặt ra nếu phương án tách MobiFone được phê duyệt, vậy đơn vị này sẽ hoạt động theo mô hình nào để đạt hiệu quả?

Một điểm giao dịch với khách hàng của MobiFone.



Thứ nhất, nếu MobiFone ra "ở riêng" nhưng vẫn là doanh nghiệp (DN) nhà nước thuộc Bộ TT-TT, vậy điều này sẽ có tác động như thế nào với thị trường viễn thông? Với giả thiết này cho thấy sẽ có 3 DN nhà nước lớn (VNPT, Viettel, MobiFone) cùng hoạt động. MobiFone rất có thể sẽ kinh doanh các lĩnh vực mà hai DN kia đang làm như internet, mạng hữu tuyến, cáp quang… và như vậy sẽ gây lãng phí lớn cho nguồn vốn nhà nước. Ở góc độ thị trường, việc có cả 3 DN nhà nước lớn cùng kinh doanh một lĩnh vực sẽ dễ tạo ra môi trường cạnh tranh chưa toàn diện vì vẫn là "con cùng bố, mẹ". Trong khi đó, nguyên tắc của cạnh tranh không phải là bảo vệ người chơi mà là tạo áp lực phát triển cho thị trường. Áp lực cạnh tranh được hiểu là đòi hỏi được đáp ứng của cơ quan quản lý, của người tiêu dùng, của chính DN mạnh đối với DN còn lại…

Từ những phân tích trên cho thấy, phương án phải cổ phần hóa (CPH) MobiFone là đúng. Vì khi được CPH, nhà mạng này sẽ có các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, quản trị và họ sẽ chuyển giao những điểm mạnh này giúp MobiFone phát triển. Trên thực tế MobiFone đã thành công với mô hình hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài. Khi MobiFone phát triển cũng đồng thời tạo ra áp lực, động lực cạnh tranh cho cả VNPT và Viettel buộc họ phải liên tục thay đổi để tồn tại. Khi thị trường có các DN lớn cùng cạnh tranh thì kết quả không chỉ có một ngành phát triển bền vững, mà cả người tiêu dùng được lợi.

Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2014 tại MobiFone, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết, sau khi hoàn thành việc tách MobiFone sẽ thực hiện CPH mạng di động này theo hướng Nhà nước giữ 75% vốn, còn lại là kêu gọi đầu tư. Còn tại cuộc tọa đàm mới đây, lãnh đạo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) cũng khẳng định tách MobiFone không phải để thành lập một tổng công ty nhà nước thuộc Bộ quản lý mà thực hiện CPH DN này. Quá trình thực hiện CPH có thể hoàn thành chậm nhất vào đầu năm 2016.

Cũng có một số ý kiến lo ngại CPH MobiFone liệu có thành công khi mà bản chất của CPH là đưa tài sản nhà nước chuyển sang tư nhân, có thể tốt hoặc không tốt… Về vấn đề này, các nhà quản lý và các chuyên gia đều khẳng định, vấn đề an toàn tài sản nhà nước luôn được đặt trong phương án CPH. Việc CPH DN nhà nước lớn như MobiFone, theo quy định phải thuê tư vấn nước ngoài, có hội đồng thẩm định cấp nhà nước và vấn đề bảo toàn vốn nhà nước luôn được coi trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tách MobiFone khỏi VNPT: Tăng áp lực cạnh tranh để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.