Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác phẩm văn nghệ - mối nguy từ sự dễ dãi

Thi Thi| 24/08/2014 07:13

(HNM) - Báo Hànộimới ngày 21-8-2014 đã có bài

Để tiếp tục làm rõ hơn về thực trạng và ảnh hưởng xấu của những tác phẩm văn nghệ làng nhàng, vô trách nhiệm tới công chúng và môi trường văn hóa nói chung, chúng tôi tiếp tục gửi tới bạn đọc bài "Tác phẩm văn nghệ - mối nguy từ sự dễ dãi". Hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn những ý kiến tham góp của độc giả.

Trên thị trường hiện có quá nhiều sản phẩm văn nghệ phi nghệ thuật, gây ảnh hưởng tới môi trường văn hóa.Ảnh: Minh Phú


Từ khi Luật Xuất bản nới rộng đường đi cho hoạt động này với sự tham gia của đối tác liên kết, thành quả đã thể hiện rõ trong những tác phẩm được chăm chút, nhưng bên cạnh cái hay thì lại kèm thêm rất nhiều cái dở. Cùng với đó là sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan được giao nhiệm vụ "gác cửa" đối với các ấn phẩm, trong đó có ấn phẩm văn nghệ. Với tình trạng chỉ có chừng 10/63 NXB trên cả nước có thể đứng vững, chủ động về tài chính thì việc NXB bán một giấy phép cho đối tác lấy vài trăm nghìn đồng, rồi phó mặc cho bên liên kết tự lo liệu là chuyện dễ hiểu. Thậm chí, có những NXB hầu như các đầu sách đều là liên kết và không kiểm soát được.

Cái “khe cửa” không hề nhỏ này đang để lọt vô số tác phẩm văn nghệ làng nhàng.

Một thực tế rất đáng nói là chưa bao giờ việc in thơ dễ dàng như hiện nay. Cái nguyên lý nằm lòng của những người trân trọng thơ ca rằng "Thơ chỉ tràn trong tim ta khi cuộc sống thật đầy" đã bị phá vỡ. Thơ bây giờ tràn lan chỉ cần tiền đầy túi. Nhà lý luận phê bình Đinh Quang Tốn (Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT, Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam) nhắc lại lời thi sĩ Xuân Diệu: "Không có thơ hay và thơ dở, chỉ có thơ và những thứ không phải thơ", đồng thời nhận định: "Những thứ không phải thơ, nhưng lại mang danh nghệ thuật đang tràn lan có phải là một trong những lý do khiến văn học xuống cấp?". Đến cả hội chính trị xã hội nghề nghiệp lớn như Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng bị cuốn vào sự ồn ào của việc ra mắt một ấn phẩm thơ số lượng "đông" hơn chất lượng, mang màu sắc của một thứ kinh doanh, nhưng lại được truyền thông rầm rộ…

Sáng tạo nghệ thuật luôn đòi hỏi sự cần cù, chuyên tâm. Ảnh: Xuân Chính


Bên cạnh đó còn có tình trạng tiểu thuyết, hồi ký… của giới showbit cũng được xuất bản... dễ như ăn kẹo. Trong đó, cái gọi là văn chương thực sự là "của hiếm"… Một "fan" điện ảnh chia sẻ, hiện ở TP Hồ Chí Minh có sự xuất hiện khá đông đảo của một lớp đạo diễn tự do, tự tìm kiếm nhà đầu tư để làm phim… Tinh thần xông xáo là có, nhưng ai dám khẳng định là chất lượng sẽ được bảo đảm khi yếu tố kinh doanh có vẻ là mục tiêu lớn trong khi các hình thức truyền thông điện tử lại quá tiện lợi như hiện nay. Công nghệ tiếp tay cho sản phẩm phi nghệ thuật dễ dàng tới mức, "Bụi đời Chợ Lớn" - một bộ phim lấy đâm chém giết chóc làm tiêu chí hút khách, dù đã có quyết định cấm chiếu mà ngành chức năng đành bất lực vì bản đầy đủ của phim đã bị tung lên mạng…

Bạn đọc hẳn cũng chưa thể quên những ồn ào của câu chuyện ca sĩ "Lệ rơi" trong những tháng vừa qua. Một thanh niên trẻ, nói ngọng, hát sai lời, sai nhạc nhưng rất hồn nhiên tự nhận là ca sĩ và liên tục đưa lên mạng xã hội facebook những video clip hát nhại những ca khúc nổi tiếng. Có người cho là vô hại vì đây chỉ là "cơn bốc đồng" của người trẻ và sẽ mau qua đi. Nhưng nghĩ sâu sẽ thấy, cái phi thẩm mỹ, cái tầm thường nếu được lan truyền rộng rãi, được kích hoạt bằng quan niệm giải trí thì nhất định môi trường văn hóa sẽ đến lúc bị xâm hại không cứu vãn được.

Tương tự như vậy, vì sự tiện lợi của công nghệ mạng mà các loại phim thử nghiệm, phim 18+ được tung ra không cần xin phép. Nói đúng sai hay xử lý vi phạm ở một vài trường hợp không phải là câu chuyện lớn, cái dài lâu hơn là một phương thức quản lý để khuyến khích được tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự và nghiêm túc, thẳng tay đối với những thứ tác phẩm thô thiển, đội lốt văn nghệ.

Sáng tạo tác phẩm là quyền của con người. Xã hội khuyến khích sự bộc lộ, giao lưu và sẻ chia nhưng văn học nghệ thuật là một địa hạt rạch ròi của sự lao động nghiêm túc và những thử thách nghiệt ngã. Vẫn biết sự xuất hiện, tồn tại của những sản phẩm phi nghệ thuật nêu trên là do lợi dụng công nghệ mạng và lỗ thủng lớn trong quản lý nhưng cũng phải khẳng định rằng căn bệnh chính của việc bùng nổ những thứ "á văn học", "văn học loại hai" hoặc phim, ảnh mô phỏng, lắp ghép, tranh nhái, tác phẩm âm nhạc sao chép ý tưởng người khác… là do bệnh vị kỷ, ảo tưởng của con người hiện đại. Một thứ bệnh không thích làm người bình thường, chỉ thích làm "siêu nhân" như nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trào lộng: "… Tìm một người bình thường khó hơn tìm một người nổi tiếng/Góc phố nào cũng chật những siêu nhân".

Và cơn mơ "siêu nhân" bằng giá trị ảo trong văn nghệ hôm nay sẽ gây ra những hệ lụy nào cho đời sống?

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm văn nghệ - mối nguy từ sự dễ dãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.