(HNM) - Bắt đầu từ sau ngày rằm tháng Chạp (ngày 15 tháng 12 năm Tân Mão) là giai đoạn cao điểm mà cán bộ, viên chức và người lao động chờ đợi nhất trong năm bởi đó cũng là thời gian các đơn vị, doanh nghiệp cân đối xong mọi khoản và dồn dập trả tiền lương, tiền thưởng tết.
Ấy cũng là lúc xuất hiện nhiều sự bất tiện nhất đối với những "thượng đế" đã... trót dùng thẻ ATM của các ngân hàng. Hãy thử hình dung có tiền trong tài khoản, đang cần tiền mà lần mò hết "cột" này tới "cột" khác không rút nổi tiền, nơi thì máy hỏng, chỗ lại đang bảo dưỡng, rồi lỗi mạng, máy hết tiền... thôi thì đủ mọi lý do. Lại có người bị máy "nuốt" thẻ, không dám đi đâu, cứ đứng canh "cột", chỉ sợ nhỡ máy nó nhả thẻ ra mà mình lại đi mất. Rồi người được cơ quan trả lương vào tài khoản, nhưng tiền đi đâu không biết, sốt ruột chạy đi chạy lại hỏi thì được nhân viên ngân hàng... xin lỗi bởi "mạng ATM đang bị nghẽn"!
Không chỉ có vậy, Khu công nghiệp Sài Đồng thuộc địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) là nơi tọa lạc của hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ, số lượng công nhân đang làm việc tại đây là hàng vạn người, nhưng nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có dăm "cột" ATM của mấy ngân hàng. Do đó không có gì lạ khi những ngày này công nhân phải xếp hàng trước "cột" ATM để lấy tiền sắm sửa và mua vé tàu xe về quê ăn tết. Dù khổ như thế nhưng rút được tiền còn là may bởi chỉ vèo một loáng buổi sáng là các "cột" đã cạn tiền. Ngay như mấy "cột" của một "ông lớn" ngành ngân hàng tọa lạc trên các con phố quanh Bờ Hồ - trung tâm của Thủ đô - chuyên nhập tiền lương của cánh công chức, viên chức mà những ngày này rút được đồng tiền của mình để tiêu cũng không dễ.
Những chuyện trên năm nào cũng vậy, không chỉ xảy ra vào dịp Tết, mà cuối tuần, cuối tháng vào những ngày "cao điểm" trả lương, tình trạng tắc, nghẽn, cạn tiền ở các cột ATM vẫn luôn xảy ra.
Khi mời chào "thượng đế" sử dụng thẻ ATM, ngân hàng nào cũng đưa ra hàng loạt tiện ích và hứa hẹn, thậm chí còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng hệ thống máy ATM của mình là hiện đại, luôn bảo đảm hoạt động thông suốt phục vụ cho các giao dịch. Song trong thực tế thì không ít người dân méo mặt vì không rút được tiền trong tài khoản. Ngay cả việc tra soát, giải quyết các khiếu nại cũng rất rườm rà mỗi khi giao dịch có trục trặc.
Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, nếu như năm 2006 toàn thị trường mới có khoảng 5 triệu thẻ ATM thì đến ngày 31-12-2011, con số này đã tăng lên 8 lần, tương đương khoảng 40 triệu thẻ. Thị trường này có sự tham gia của hơn 40 ngân hàng nhưng sự đầu tư hời hợt về công nghệ, mạnh ai nấy làm khiến cho hạ tầng không đồng bộ và không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong khi đó, cơ quan quản lý lĩnh vực này lại chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung, buộc các ngân hàng phải tuân thủ cùng những chế tài xử lý vi phạm trong việc cam kết cung cấp dịch vụ. Tất cả những điều đó khiến cho hoạt động của thị trường này hết sức lộn xộn, quyền lợi của người sử dụng thẻ ATM không được bảo đảm nhưng cũng không biết kêu ai.
Việc giao dịch thông qua tài khoản thẻ ATM là một loại hình dịch vụ của ngành ngân hàng. Các "thượng đế" phải chịu những chi phí nhất định khi sử dụng dịch vụ này và họ có quyền đòi hỏi sự bảo đảm về quyền lợi chứ không phải xin ai, cầu cạnh ai. Cứ luôn tắc, nghẽn, "cháy" tiền như thế (dù lãnh đạo của một số ngân hàng đã viện dẫn hàng loạt lý do), chắc chắn việc sử dụng thẻ ATM sẽ "mất điểm" và các "thượng đế" chả dại gì sử dụng loại hình dịch vụ này khi tiện ích chưa thấy đâu mà chỉ thấy bực mình và chuốc thêm phiền toái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.