(HNMCT) - Dù đã được cảnh báo rất nhiều song thói quen lạm dụng kháng sinh của cả người dân và nhân viên y tế vẫn đang tiếp diễn và khó kiểm soát.
Thách thức toàn cầu
Dù ngành Y tế đang siết chặt việc quản lý các hiệu thuốc song thực tế cho thấy, tại nhiều nhà thuốc nhỏ lẻ, nhiều loại thuốc vẫn được bán tùy tiện cho những người bị sổ mũi, ho, nhức đầu, tiêu chảy... Nhiều người có thói quen tự mua thuốc uống mà không cần bác sĩ khám, hoặc sử dụng đơn cũ. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến số trường hợp kháng kháng sinh tăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, kháng kháng sinh (AMR) là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 ca tử vong do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây ra tử vong. Hiện WHO xếp Việt Nam vào nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Thực tế, trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng là một phần nguyên nhân của các bệnh hô hấp phổ biến như viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... với tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng tăng. “Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh, như tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Phân tích về hệ quả của kháng kháng sinh, ông Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, việc lây truyền những loại vi khuẩn kháng kháng sinh khiến người chưa từng bị bệnh vẫn có thể bị nhiễm những vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm này. Khi đó, việc điều trị rất khó khăn và bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ tử vong cao dù mắc bệnh đơn giản.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân (khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), cho hay, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng một cách đáng báo động theo từng năm. Hiện có nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai, khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Khi đó, bác sĩ có thể phải chọn loại kháng sinh nặng hơn, đắt tiền hơn, thậm chí phải phối hợp nhiều loại thuốc trong điều trị.
Tuyệt đối không lạm dụng
Dù các phương tiện truyền thông đã đề cập rất nhiều tới tình trạng lạm dụng kháng sinh nhưng dường như người dân và một số nhân viên y tế vẫn chưa nhận ra mối nguy hại thực sự của thói quen này. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Đại học Dược Hà Nội, “không hành động hôm nay, ngày mai sẽ không có thuốc chữa” chính là câu kết luận đáng ghi nhớ mà WHO muốn nhắn nhủ đến loài người về thuốc kháng sinh. Bởi kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không phải vi rút. Nếu một người bị cảm cúm, viêm họng... do vi rút tấn công thì không được dùng kháng sinh. Các bác sĩ, dược sĩ cần nâng cao hơn nữa lương tâm, trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh cho người bệnh, không vì lợi ích trước mắt mà làm trái lương tâm của người thầy thuốc.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, cho rằng, hiện Việt Nam mới quan tâm tới tình trạng nhiễm khuẩn liên quan tới ngành Y tế. Tuy nhiên, các thuốc kháng sinh sử dụng ngoài ngành Y tế nhiều và khó kiểm soát. Điều đáng ngại là các loại kháng sinh này có giá rẻ và thường có trong thức ăn của người cũng như của gia súc. Do đó, cần kiểm soát tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh đang lan tràn.
Hiện Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch quốc gia phòng chống kháng thuốc, đồng thời rà soát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng, quản lý việc kê đơn thuốc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, bản thân mỗi người dân có trách nhiệm chung tay bằng cách không mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.