(HNM) - Những kiện hàng chứa bom bị phát hiện khi đang trong hành trình tới nước Mỹ vào ngày 29-10 vừa qua vẫn đang gây chấn động thế giới. Dư luận không ngạc nhiên trước sự liều lĩnh của những kẻ khủng bố nhưng bất ngờ trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của chúng.
Theo thông tin từ nhà chức trách, thiết bị nổ được tuồn vào các cuộn mực máy in, được lắp và kết nối chuyên nghiệp thông qua một mạch điện tới một chíp điện thoại di động giấu trong máy. Loại chất nổ được sử dụng là PETN và các hợp chất nitơ chì, mang đặc điểm tương tự với những vụ tấn công của Al Qaeda. Tình báo Mỹ xác định chi nhánh của mạng lưới khủng bố khét tiếng nhất hành tinh tại bán đảo Arab (AQAP) đã đứng sau âm mưu táo tợn trên và chuyên gia chế tạo bom cho tổ chức này, Ibrahim Hassan Al Asiri nhiều khả năng là tác giả của những bưu kiện đầy thuốc nổ kia.
Sinh ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào tháng 4-1982 trong một gia đình sùng đạo có 7 người con, Ibrahim đứng số 40 trong danh sách 85 phần tử bị truy nã gắt gao nhất vương quốc này. Sau khi mãn hạn tù năm 2007, hắn và em trai Abdullah trốn sang Yemen. Theo nhà chức trách kể từ sau khi tham gia Al Qaeda vào tháng 1-2009, Ibrahim đã nhanh chóng nổi lên như một thành viên chủ chốt của AQAP và được đánh giá là một trong những phần tử tàn nhẫn và cuồng tín nhất.
Thật khó tin khi người thanh niên 28 tuổi với dáng người mảnh khảnh và vẻ mặt không mấy nguy hiểm lại là một chuyên gia chế tạo bom của Al Qaeda. Bài thực hành đầu tiên cho kỹ năng của mình đã được Ibrahim áp dụng lạnh lùng trong một vụ tấn công khủng bố tự sát mà người được y tuyển mộ để thực hiện chính là em trai hắn, Abdullah, 23 tuổi. Vụ đánh bom liều lĩnh ấy nhằm vào Thứ trưởng Bộ Nội vụ Arab Saudi, Hoàng tử Muhammad Abdul Aziz Al-Saud. Đóng vai là một tay súng muốn quy hàng, Abdullah được chở bằng máy bay riêng của Hoàng tử Muhammad tới Jeddah để có cuộc hẹn với Thứ trưởng tại văn phòng của ông. Ngay khi bước vào căn phòng, hắn đã kích nổ quả bom được làm bằng 100g PETN và có ngòi nổ bằng hóa chất để có thể qua được máy dò kim loại. Tuy nhiên, khối thuốc nổ do Ibrahim chế tạo không lấy được mạng sống của ông Muhammad mà chỉ giết chết Abdullah. Những hình ảnh sau vụ tấn công cho thấy một hố lớn trên sàn bê tông và thi thể chỉ còn một nửa của Abdullah. Điều đó có nghĩa là sức công phá của bom theo hướng đi xuống và đó là lý do tại sao chỉ có kẻ đánh bom bị chết.
Sau vụ tấn công, người cha của Abdullah vốn là một cựu quân nhân cho biết, ông thực sự sốc trước thông tin đứa con trai trẻ tuổi của mình đã tham gia vào hành động liều lĩnh này và cho rằng cậu đã bị những phần tử cực đoan cướp khỏi gia đình.
Sau cái chết của em trai, Ibrahim cũng được xem là tác giả của quả bom được giấu trong quần lót mà phần tử người Nigeria Umar Farouk Abdulmutallab định cho nổ tung chiếc máy bay chở khách của Mỹ tới Detroit vào đúng Giáng sinh năm ngoái. Cũng giống như trong vụ trước đó, thiết bị nổ chứa PETN và ngòi nổ bằng hóa chất. Nhà chức trách Mỹ cũng khẳng định thông tin này. Phó ban Cố vấn quốc gia về an ninh nội địa và chống khủng bố Mỹ, John Brennan nhấn mạnh chỉ có một kẻ chế tạo những quả bom này, đó là một phần tử cực kỳ nguy hiểm, được đào tạo bài bản và rất có kinh nghiệm. "Chúng ta cần tìm ra hắn và đưa hắn ra xét xử trước công lý", ông Brennan cho hay.
Ngoài kỹ năng tạo bom, tình báo Mỹ tin rằng Ibrahim cũng thường xuyên liên hệ với giáo sĩ cực đoan Anwar al-Awlaki, kẻ cũng đang ẩn náu tại Yemen. Còn được gọi là chuyên gia "YouTube", những bài giảng của al-Awlaki đăng tải trên internet đã cám dỗ hàng trăm thanh niên Hồi giáo tham gia tổ chức khủng bố của Osama bin Laden.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.