(HNMO) - Sức ép từ giá xăng dầu tăng cùng các chi phí phòng, chống dịch… đang đè nặng lên doanh nghiệp, nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Một số mặt hàng đã tăng giá từ 7% đến 10%
Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây, hơn 24.000 đồng/lít xăng RON95 và hơn 23.000 đồng/lít xăng E5RON92, đã khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng khó khăn. Với sức ép từ giá cước vận tải, nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Hôm - Đức Viên, Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng); Nam Trung Yên, Trung Hòa (quận Cầu Giấy)…, tiểu thương cho biết, giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh đã tăng mạnh so với thời điểm giữa năm do mưa lớn kéo dài, cộng thêm giá xăng tăng. Giá một số loại rau xanh quen thuộc như: Rau muống, rau cải, hành lá, rau mùi... đã tăng từ 20 đến 50% so với thời điểm giữa năm, cá biệt có loại tăng giá gấp đôi. Cá rô phi 60.000-80.000 đồng/kg tùy kích cỡ, tăng khoảng 15.000 đồng/kg; thịt gà 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; ốc nhồi 130.000 đồng/kg, tăng 25.000-30.000 đồng/kg so với giữa năm…
Nhiều tiểu thương cho biết, với chi phí vận tải cao, nguồn cung hạn chế do thời tiết bước vào đợt lạnh, mưa bão, nhu cầu tiêu dùng tăng về cuối năm, giá cả sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Phân tích về vấn đề này, bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, các yếu tố trên cùng với việc doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đã tác động đến các lĩnh vực nói chung, trong đó có hoạt động thương mại. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng tới quyết định mức tiêu dùng của người dân. Hiện, giá một số mặt hàng như mỹ phẩm, bánh kẹo, gia vị tăng bình quân từ 7% đến 10%.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí nhà máy tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, nên giá một số mặt hàng trong siêu thị đã bắt đầu lên, như dầu ăn…
Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, bà Đỗ Tuệ Tâm kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước giữ được ổn định giá xăng dầu, góp phần kiềm chế tình trạng tăng giá của các ngành khác nhau.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, giá xăng dầu tăng tất yếu kéo theo một số mặt hàng rau xanh, thực phẩm tăng. Giá cả sản phẩm tăng là do nhà sản xuất tự quyết định. Các siêu thị, cửa hàng chỉ là nơi nhập và cung cấp hàng hóa cho nên không thể làm chủ về giá.
Tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp sản xuất
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng là do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26-10 tăng khoảng 10,4% với xăng RON92, xăng RON95 tăng hơn 11,2%, các mặt hàng dầu tăng 7-8%.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đã chi liên tục với mức chi 100-2.000 đồng/lít/kg, nên trong kỳ điều hành lần này, nếu không tăng chi Quỹ BOG thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859-2.527 đồng/lít.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu cùng các chi phí chống dịch… đang đè nặng lên doanh nghiệp, vì vậy Ban lãnh đạo công ty đã phải điều chỉnh doanh thu năm 2021 giảm 25% so với kế hoạch xây dựng ban đầu.
Tương tự, ông Lê Hữu Phong - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Hà cho biết, chi phí vận tải, logistics chiếm 8% trong doanh thu của doanh nghiệp. Hiện, công ty đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài, trong đó nhiều hợp đồng ký kết đến giữa năm 2022 và đều chốt được các đơn giá. Do vậy, việc xăng tăng giá mạnh sẽ khiến lợi nhuận của công ty giảm sút. Mặt dù, công ty đã giảm doanh thu năm 2021 từ 750 tỷ đồng xuống còn 700 tỷ đồng, song trước tình hình này thì doanh thu còn tiếp tục giảm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Song Phương, tình hình dịch Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, hàng hóa được vận chuyển lưu thông, nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao 20% so với thời điểm trước đợt dịch thứ tư đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Nguồn sản xuất chưa ổn định trong khi chi phí từ xăng dầu tăng đột biến khiến doanh nghiệp buộc phải giải quyết bài toán về chi phí để có được mức giá ổn định nhất cho sản phẩm. Tại thời điểm này, nếu doanh nghiệp tăng giá thành của sản phẩm sẽ khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn, tạo ra muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp.
Để góp phần hạ nhiệt giá xăng trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường…
Từ góc độ doanh nghiệp, nhiều đại diện doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có biện pháp, chính sách hợp lý để cân đối cung cầu. Ngoài các công cụ bình ổn giá, cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm hạ nhiệt mặt hàng này. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.