(HNM) - Các chuyên gia y tế khẳng định, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia mà 25 năm qua, tỷ lệ tử vong do khoảng 30 bệnh nhiễm khuẩn giảm rõ rệt.
Năm 1985, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình TCMR trên toàn quốc với 6 bệnh phổ biến và nguy hiểm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi. Đáng ghi nhận là đến nay Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012.
Phòng bệnh chủ động
Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhờ được bú sữa mẹ nên trẻ em khi mới ra đời đã được miễn dịch với nhiều bệnh. Tuy nhiên, thời gian miễn dịch này chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng cho tới 1 năm. Nếu không được tiêm vắc xin và bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh thì cơ thể trẻ sẽ không đủ sức chống lại bệnh tật. Trước khi có vắc xin, rất nhiều trẻ bị tử vong do mắc các bệnh mà ngày nay đã có vắc xin phòng ngừa như ho gà, sởi, bại liệt… Hiện nay, các tác nhân gây bệnh vẫn tồn tại, nhưng trẻ em hoàn toàn có thể được bảo vệ nhờ vắc xin.
Tiêm vắc xin cho trẻ em tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Ảnh: Phương An |
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, vắc xin là các chế phẩm được sản xuất từ vi sinh vật (vi khuẩn, virus). Một hay nhiều thành phần của chúng đã được làm biến đổi để trở thành vô hại với người khi được đưa vào cơ thể, nhưng nó lại kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại bệnh. Tiêm chủng là đưa vắc xin vào cơ thể người bằng đường tiêm, có khi là bằng đường uống, rỏ mũi, hít... Đây là phương pháp phòng bệnh chủ động, có hiệu quả tốt, giảm được tử vong và ít tốn kém nhất so với phí tổn điều trị.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vắc xin và công tác tiêm chủng, năm 1985, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình TCMR với 6 mũi vắc xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi; năm 1997 thì bổ sung thêm vắc xin thứ 7 là viêm gan B và năm 2010 là vắc xin Hib. Các vắc xin khác được dùng ở các vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên 1 tuổi là vắc xin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn.
Giảm hàng trăm lần số mắc
|
Trong suốt 25 năm qua, dưới sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể xã hội, sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế, chương trình TCMR đã bao phủ 100% tỉnh, thành trên cả nước với hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Bằng tiêm chủng vắc xin, tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Nhiều bệnh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. Tỷ lệ mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng như bệnh ho gà, bạch hầu, sởi giảm rõ rệt. So sánh giữa năm 1985, năm bắt đầu triển khai TCMR và năm 2009, tỷ lệ mắc ho gà giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần… Đây là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ngành y tế Việt Nam những năm qua, đã được GAVI (Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu) ghi nhận. Việt Nam đã tự sản xuất được hầu hết vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm một số vắc xin khác như: quai bị, Hib, Rubella, viêm màng não mô cầu, dại tế bào, cúm gia cầm H5N1, cúm mùa...
Mặc dù vậy, công tác TCMR ở nước ta đang gặp phải nhiều trở ngại, như chất lượng dịch vụ tiêm chủng ở miền núi, vùng sâu, xa chưa cao do khó khăn về mặt địa lý, kinh tế, xã hội; thiếu cán bộ y tế dự phòng tuyến huyện, xã; ngân sách nhà nước đầu tư cho TCMR mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; nhiều bệnh dịch nguy hiểm chưa có vắc xin hoặc chưa được đưa vào chương trình TCMR...
Tiếp tục nâng cấp hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin; tăng cường đào tạo và đào tạo lại cán bộ làm TCMR nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý dịch vụ TCMR, kỹ năng thực hành tiêm chủng ở các tuyến; nâng cao chất lượng, số lượng và chủng loại vắc xin sản xuất trong nước… là những giải pháp tích cực mà ngành y tế đang triển khai để đạt được mục tiêu đã cam kết với cộng đồng quốc tế là loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, bệnh lao năm 2030; hạ tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ em xuống dưới 2% vào năm 2012.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có 14,5 triệu trẻ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu và 800.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh này; vi khuẩn Hib gây bệnh viêm phổi và viêm màng não cho khoảng 8 triệu trẻ và làm 400.000 trẻ tử vong; hơn nửa triệu trẻ chết vì tiêu chảy do virus rota. Các bệnh nêu trên đều có thể dự phòng được bằng vắc xin. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.