(HNM) - Mặc dù Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phá hủy kho vũ khí hóa học để tránh một cuộc tấn công quân sự của Washington cùng đồng minh, thế nhưng, sức nóng xoay quanh cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này vẫn chưa hạ nhiệt.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (phải) nhận bản báo cáo thanh sát việc điều tra vũ khí hóa học tại Syria. |
Ngày 17-9 (theo giờ Việt Nam), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon công bố báo cáo về quá trình điều tra vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hồi tháng trước (ngày 21-8). Báo cáo nhấn mạnh, vũ khí hóa học đã được sử dụng trên một phạm vi tương đối lớn, nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em. Dựa trên những mẫu vật phẩm thu thập từ hiện trường, các chuyên gia LHQ cho biết, khí độc sarin đã được nạp vào đầu đạn tên lửa đất đối đất và bắn vào khu vực Ghouta, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng. Đây là sự xác nhận chính thức đầu tiên của LHQ về vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria. Tuy báo cáo không nêu đích danh thủ phạm là quân đội Chính phủ Syria hay lực lượng đối lập nhưng ngay lập tức, các cường quốc phương Tây đã tăng sức ép lên chính quyền Syria. Mỹ, Anh, Pháp cùng đồng loạt chỉ rõ, chính quyền của ông Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Thậm chí, ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh cấp viện trợ quân sự phi sát thương cho lực lượng đối lập Syria nhằm "góp phần" ngăn ngừa việc sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học.
Như vậy, áp lực vẫn không ngừng tăng với chính quyền của Tổng thống Al-Assad khiến việc giải quyết cuộc khủng hoảng khó có thể theo đúng quỹ đạo mong muốn. Các nhà phân tích đã đúng khi đưa ra nhận định rằng, thỏa thuận giữa Washington và Mátxcơva, hai phía ủng hộ những phe phái đối lập nhau trong cuộc xung đột Syria, nhắm tới việc loại bỏ vũ khí hóa học ở nước này có thể là bước ngoặt cho cuộc nội chiến, nhưng chưa mở đường cho một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột. Khi các bên tập trung vào vấn đề vũ khí hóa học thì mối quan ngại mới lại dấy lên. Đó là những tấn bi kịch chưa thể lường ở dạng này hay dạng khác với Syria.
Đến nay, đã có hơn 110 nghìn người Syria đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 30 tháng qua. Sự kiện Nga - Mỹ bất ngờ đạt được thỏa thuận trên hồ sơ vũ khí hóa học ở Syria đã dấy lên hy vọng về một hội nghị hòa bình mới tại Geneva (Geneva 2), sau nỗ lực không thành công trước đó tại Geneva hồi năm ngoái (Geneva 1). Theo đó, Geneva 2 sẽ yêu cầu đại diện của chính quyền và phe nổi dậy ở Syria ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng, sáng kiến này cho đến nay vẫn bế tắc vì những bất đồng cơ bản, nhất là liên quan tới việc ai sẽ đại diện cho các bên trong những cuộc thương thuyết. Phe đối lập chính Liên minh dân tộc khẳng định không đàm phán với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Damascus tuyên bố, Tổng thống đương nhiệm sẽ nắm quyền cho tới cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2014.
Mâu thuẫn và bất đồng sâu sắc khiến cuộc nội chiến tiếp tục lan rộng. Trong một diễn biến mới, ngày 16-9, giao tranh đã xảy ra khi quân Chính phủ Syria tấn công dữ dội vào các căn cứ của quân nổi dậy tại thị trấn Zomalka ở ngoại ô Damascus. Trước đó, quân chính phủ cũng giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát vùng núi Al-Arbaeen ở ngoại ô thành phố miền Bắc Idleb giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tiêu diệt hang ổ cuối cùng của nhiều nhóm phiến quân như các Lữ đoàn Dra'a al-Jabal, Squr al-Sham, Ahrar al-Thawra, Suyuf al-Haq, A'sar al-Sham, Al-Abbas; các Tiểu đoàn Fursan al-Quds, Ablin, Omar al-Faruq và Maghawir Aryha...
Rõ ràng, phá hủy kho vũ khí hóa học tại Syria dù được thực hiện đúng lộ trình xem ra mới chỉ gỡ được "nút thắt" cơ bản. Sự kiện LHQ công bố vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria cho thấy tính nghiêm trọng của cuộc nội chiến. Và, cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này chỉ có thể được hóa giải tận gốc khi các bên đối địch cùng ngồi vào bàn đàm phán với sự đồng thuận của quốc tế. Song, điều này lại không dễ thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.