(HNM) - Thời hạn chót mà Liên đoàn Arab (AL) đưa ra đến hôm nay (19-11) mới kết thúc nhưng những diễn biến của cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria khiến dư luận đang lo ngại về một vòng xoáy mới, đầy bất ổn tại quốc gia Trung Đông này.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công căn cứ tình báo quân đội ở ngoại ô thủ đô Damas, ngày 17-11, các tay súng nổi loạn đã tấn công trụ sở đảng cầm quyền Syria. Súng phóng lựu cũng đã được lực lượng chống đối sử dụng để tấn công quân chính phủ tại tỉnh Tây Bắc Idlib, gần Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, các tay súng của Quân đội Syria Tự do - thuộc lực lượng nổi dậy - đã nã súng máy và rocket vào căn cứ tình báo không quân ở ngoại ô Damas, một trong những vụ tấn công táo bạo nhất kể từ khi làn sóng bạo động chống chính phủ bùng phát... Sau các vụ tấn công, Quân đội Syria Tự do của lực lượng nổi dậy tuyên bố thành lập Hội đồng Quân sự lâm thời do Đại tá Riyadh al-Asaad, người đào ngũ khỏi quân đội chính phủ Syria làm chủ tịch và công khai kêu gọi lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Ít nhất 80 người đã thiệt mạng kể từ khi AL đưa ra thời hạn yêu cầu Syria chấm dứt tình trạng bạo lực. |
Trước tình hình bạo lực gia tăng tại Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng cảnh báo rằng, Syria đang đối mặt với nguy cơ "một cuộc nội chiến toàn diện" và kêu gọi chính phủ Syria và lực lượng chống đối chấm dứt bạo lực.
Như vậy, bức tranh về tình hình Syria hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của AL đưa ra cách đây hai ngày. Theo đó, ngày 16-11 tại Rabat (Morocco), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, Hamad bin Jassem al-Thani tuyên bố AL đã ra thời hạn mới 3 ngày cho Syria để chấm dứt các vụ bạo lực giữa những người biểu tình và quân đội, nếu không các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước này sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, bất chấp "tối hậu thư" của AL, tình trạng đổ máu vẫn tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng. Thêm vào đó, ngay sau khi AL đưa ra thời hạn để chấm dứt bạo lực, những người ủng hộ chính phủ Syria đã tấn công Đại sứ quán của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Morocco ở thủ đô Damas. Trước đó, khi AL đình chỉ tư cách thành viên AL của quốc gia Trung Đông này, ngày 12-11, đám đông ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã tấn công các Lãnh sự quán của Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Latakia ở phía bắc Syria.
Trong một động thái mới, ngày 17-11, Nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập, mới thành lập, đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng cấm bay như từng áp đặt với Libya, tại miền Bắc Syria, nơi đang xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu giữa quân chính phủ và lực lượng chống đối. Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Trước đó, ngày 16-11, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Syria sau khi bạo lực leo thang và đang hợp tác với AL soạn thảo một dự thảo nghị quyết mới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Cùng ngày, Diễn đàn Hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ - AL, diễn ra tại thủ đô Rabat (Morocco), đã ra thông cáo kêu gọi tiến hành các "biện pháp khẩn cấp" để bảo vệ dân thường Syria. Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz cũng đã quyết định ngừng các dự án khai thác dầu mỏ chung tại 6 giếng dầu ở Syria. Và hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc chấm dứt bán điện cho Syria nếu căng thẳng tiếp tục leo thang giữa người biểu tình và các lực lượng của chính phủ Syria...
Syria đang rơi vào tình trạng bất ổn khó lường. Cùng với động thái của AL, lệnh cấm vận của các quốc gia phương Tây đang ngày càng khiến chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad khó khăn hơn. Thêm vào đó, sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài sẽ càng làm phức tạp thêm tình hình tại quốc gia này. Syria sẽ lún sâu vào cuộc khủng hoảng đang được dự báo. Dư luận khu vực lo ngại về một cuộc nội chiến tàn khốc tại Syria nếu các bên không tìm được tiếng nói chung trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.