Theo dõi Báo Hànộimới trên

Syria: Cuộc chiến chưa hồi kết

Quỳnh Dương| 26/12/2016 06:51

(HNM) - Tháng 12 được xem như một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến phức tạp kéo dài gần 6 năm qua ở Syria. Quân đội Syria, với sự hậu thuẫn của Nga, đã giành chiến thắng ở thành phố chiến lược Aleppo, giúp Chính phủ nước này có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán với các bên liên quan.

Bản đồ chiến sự tại Syria (màu hồng là khu vực quân chính phủ kiểm soát, màu ghi là khu vực IS kiểm soát).


Không thể phủ nhận, cục diện phía Bắc Syria đang rất có lợi cho quân đội Syria bởi họ đã kiểm soát được thành phố lớn thứ hai đất nước là Aleppo, tiến đến khu vực cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng vài chục ki lô mét, hỗ trợ đắc lực cho người Kurd đánh chiếm vị trí của các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ như Quân đội Syria Tự do (FSA) hay tổ chức khủng bố Jabhat Fateh Al-Sham. Làm chủ Aleppo, quân đội Syria nắm trong tay bàn đạp chiến lược để mở rộng quyền kiểm soát vào khu vực nội địa miền Đông, mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào Raqqa, “đầu não” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Ở chiến trường ngoại ô thủ đô Damascus, lực lượng vũ trang Syria tấn công mạnh mẽ buộc phiến quân Harakat Ahrar al-Sham và Jabhat Fateh Al-Sham phải chấp thuận đầu hàng ở các thị trấn Khan Al-Sheih, Al-Tal và Kanakir sau 5 năm chiến tranh ở vùng Tây Ghouta. Với việc nhiều thị trấn nằm ở phía Tây Damascus trở lại dưới sự kiểm soát của quân chính phủ, quân đội Syria bây giờ có thể tập trung vào những mục tiêu chính trên chiến trường phía Nam Damascus.

Dù chiến thắng ở Aleppo được coi là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc nội chiến Syria, song theo nhiều nhà phân tích, thắng lợi này chỉ giúp Tổng thống Bashar al-Assad giành được lợi thế trên bàn đàm phán với các nhóm nổi dậy đối lập do phương Tây hậu thuẫn. Vì thế, ngay sau khi lực lượng nổi dậy phải rời khỏi Aleppo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thất vọng đánh giá, những nỗ lực ngoại giao của Washington nhằm đạt được tiến trình chuyển đổi chính trị tại Syria đã thất bại. Trong cuộc họp ngày 23-12, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Syria B.Al-Assad đều đã nhất trí tổ chức cuộc đàm phán hòa bình mới về Syria sẽ diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) - một đồng minh thân cận của Nga - vào tháng 1 tới. Nhiều nhận định cho rằng, sẽ có những thỏa hiệp có lợi cho Damacus tại cuộc gặp này.

Tuy nhiên, phe nổi dậy, được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU), chỉ là một bên của cuộc xung đột tại Syria. Nếu nhìn bản đồ cuộc chiến, hiện tại, đội quân của Tổng thống B.Al-Assad chỉ nắm giữ 1/4 lãnh thổ Syria. Các nhóm phiến quân và nổi dậy khác nắm giữ một phần nhỏ, phần còn lại là do tổ chức khủng bố IS kiểm soát. Trong khi đó, tháng 12 là thời điểm quân đội Syria gánh chịu những thiệt hại nặng nề khi thành phố cổ Palmyra ở phía Đông Bắc của Damascus lại bị IS chiếm giữ sau một cuộc tấn công thần tốc.

Hiện căn cứ không quân T4 nằm ở phía Tây Palmyra đang đứng trước nguy cơ thất thủ do bị IS bao vây và tấn công mạnh mẽ. Các lực lượng vũ trang Syria với sự hỗ trợ hỏa lực của không quân Nga đang dồn nỗ lực cố thủ và chờ quân tiếp viện đến vùng sa mạc này để phản công, lật ngược tình thế. Việc để mất Palmyra khiến quân Chính phủ Syria phải hoãn kế hoạch tấn công Idlib, khu vực nằm giữa Aleppo và Hama để tập trung cho nhiệm vụ quan trọng là phải nhanh chóng tái chiếm Palmyra, giải vây cho căn cứ T4 và chiếm lại các mỏ dầu ở phía Đông tỉnh Homs. Đây được coi là bàn đạp quan trọng trên mặt trận phía Đông Damacus.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, con số thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 2011 tại Syria đã vượt quá 300.000 người. Thiệt hại do chiến tranh là hơn 13 nghìn tỷ USD. Dựa trên bối cảnh Syria hiện nay, con số tổn thất chưa thể dừng lại khi cuộc chiến này vẫn còn tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Syria: Cuộc chiến chưa hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.