(HNM) - Theo những gì đọc được, tra cứu được, và bây giờ tôi thấy, thì Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng, dài hết thảy bốn huyện phía bắc tỉnh Hà Giang, bắt đầu từ Quản Bạ, qua Yên Minh, Đồng Văn rồi đến Mèo Vạc. Diện tích tới gần 2.400km2. Với một cộng đồng gồm 17 tộc người chung sống đã ngàn năm, nay khoảng 250.000 người.
Từ Quản Bạ tuần tự đi lên các huyện thuộc cao nguyên đá, có cảm nhận đang lần theo từng bậc thang đất để tới bậc thang cao nhất là Mèo Vạc. Từ lâu các nhà khoa học đã chỉ ra ở nơi đây nhiều giá trị độc nhất, gây sửng sốt giới nghiên cứu địa chất thế giới, rằng độ dày các vỉa đá vôi có nơi có thể lên tới 4.000m, một di sản hiếm hoi ở Đông Nam Á. Chưa hết, các hóa thạch cho thấy từ nửa tỷ năm trước, sinh vật đã xuất hiện ở cao nguyên đá với hơn 1.000 loài.
Sững sờ Công viên địa chất toàn cầu
Cả thảy thế giới có 5 thời điểm các loại sinh vật bị hủy diệt, thì hóa thạch cổ ở Cao nguyên Đồng Văn đã chiếm tới 2 thời điểm, nó là cơ sở thú vị và hy hữu để nghiên cứu sự hình thành vỏ Trái đất.
Tất cả những điều ấy với người có cơ hội đi du ngoạn cao nguyên đá, cần biết, là để có cảm xúc chiều sâu. Còn vẻ đẹp địa chất, địa mạo độc đáo ngỡ như nghệ thuật xếp đặt của cao nguyên đá, lại cho người ta liên tục sững sờ suốt chiều dài nhiều giờ hành trình.
Tổ chức mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) thuộc UNESCO ngày 3-10-2010 tại Hy Lạp đã trao quyết định công nhận Công viên đá Đồng Văn là thành viên. Một công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam. Những người yêu di sản địa chất địa mạo tuyệt đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn, không khỏi bị phấn khích khi nhận được tin vinh hạnh này.
Chính quyền tỉnh Hà Giang đã tưng bừng mở hội. Nghe phong thanh là có kế hoạch cho một Festival mang tên "Cao nguyên đá Đồng Văn" với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tất nhiên không thể thiếu sự tham dự của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan.
Một phác thảo thiết kế cho Festival khá hoành tráng. Có đua thuyền trên sông Nho Quế. Leo dây thám hiểm hang động. Cưỡi ngựa Ma Lé, một giống ngựa nhỏ thó nhưng thồ nặng leo dốc dựng đứng tài tình lên các bản cao người Mèo. Rồi lội bộ tới cặp núi Vú Tiên. Người ta đã nghĩ tới một kế hoạch đầy tham vọng, là vẽ ra các loại hình hoạt động du lịch hấp dẫn dụ kéo du khách trong nước và khách quốc tế tới đây, ngõ hầu đưa bốn huyện phía bắc tỉnh Hà Giang… thoát nghèo.
Thật có lỗi với Hà Giang nếu không một lần đến được Cao nguyên đá Đồng Văn. May sao, đúng dịp có chuyến du lịch "phượt" của một cựu lính biên phòng từng dâng hiến tuổi thanh xuân cho vùng biên ải Đồng Văn - Mèo Vạc. Tên anh là Vũ Tiến. Cùng chuyến "phượt" lên cao nguyên đá, còn có một tay điêu khắc trẻ sớm thành danh tên Duy Minh, yêu nghệ thuật sắp đặt và ham khám phá. Và một cô bác sĩ y tế cộng đồng trẻ tên Minh Thu, đang làm cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, dự kiến có những dự án nước sạch và vệ sinh học đường cho vùng này. Trừ anh Vũ Tiến một thời là thổ công thổ địa, chúng tôi theo anh như những đứa trẻ lạc vào rừng đá cổ tích núi non trùng điệp ngập tràn huyền thoại.
Những con đường treo trên vách đá
Nơi mà các nhà địa chất cho là điểm ngoạn mục nhất, hội tụ nhiều sửng sốt nhất, xứng đáng là đệ nhất hùng quan của cao nguyên đá, là đỉnh của cao nguyên, chóp núi của đèo Mã Pí Lèng, cao gần 2.000m so với mực nước biển. Và đây chính là nơi phân chia hai vùng tiểu khí hậu, phân chia ranh giới hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Người cựu lính biên phòng Vũ Tiến nói vậy. Hèn nào, khi đứng trên Cổng trời Quản Bạ, cô bác sĩ của WHO nức nở khen "Đẹp quá, mây trắng quấn cổ em ngạt thở!", người cựu lính biên phòng cười oang oang "Thế ư? Chúng ta mới chỉ chạm tới đầu chiếc dải yếm của cao nguyên thôi!". Sông Nho Quế vốn là con sông có dòng chảy hung dữ nhất nước, vậy mà nằm dưới vực sâu thăm thẳm chỉ thấy mỏng mảnh như một sợi dây lanh trắng uốn lượn dưới thung sâu.
Từ một thế kỷ trước, các nhà khoa học Pháp đã nghiêng mình cúi chào, tôn vinh đỉnh Mã Pí Lèng là một "Tượng đài địa chất" của loài người trên hành tinh. Và những hẻm vực mà dưới tít tắp có dòng Nho Quế kia, dựng đứng một vách đá vôi cũng được các nhà khoa học đánh giá là cao nhất thế giới, gần 800m. Ngắm bức vách đá này, tay điêu khắc trẻ đứng sững giơ cánh tay lên ngang mặt khoắng khoắng những đường gì đó, mắt nheo lim dim, hẳn gã đang phác ra một bức phù điêu nào đó cho vách đá ấy, gã là tay điêu khắc mà, rồi gã cười khanh khách tự thưởng ngoạn cho mình một câu "Tuyệt!". Cô bác sĩ của WHO hỏi. Gã chỉ phẩy tay rất bí hiểm.
Đường lên bốn huyện Cao nguyên đá Đồng Văn theo khái niệm cắt dọc trục đường chính đã dài tới 200km. Mà đường núi bao giờ cũng ngoằn nghoèo men theo đường đồng mức các sườn núi, sườn đèo. Chính vì vậy mà người lái xe phải là một "tay lái lụa", không sai. Anh ta đang cầm giữ mạng sống của năm con người ngồi trên xe kể cả anh. Hai tay chắc trên vô lăng và cần số. Hai chân dán chặt vào bàn ga và chân phanh. Đôi mắt trân trân dõi nhìn mặt đường phía trước rộng chỉ đủ hai lần chiều ngang xe đang chạy, mà một bên là vách đá thẳng đứng và một bên là vực sâu. Đôi tai dóng lên như tai thỏ, nghe ngóng tiếng động cơ xe đi ngược chiều. Chỉ cần 30 giây lơ đãng, không hơn, là có thể hai xe đâm đầu vào nhau mới vỡ lẽ, vì các khúc "cua" rất hẹp, hẹp như "cánh tay áo gấp". Cánh lái xe ví như vậy.
Nhưng từ đỉnh núi cao nhìn xuống thung sâu là những cánh đồng ruộng bậc thang mượt êm làm lòng người dịu lại, bởi màu xanh lục pha vàng chanh của lúa non cứ từng thửa hình cung nối tiếp nhau đồng tâm lên đỉnh như một bức tranh lụa đẹp mê mẩn. Xa xa loáng thoáng vài nếp nhà tường đất rào đá. Điểm xuyết vài con bò, dăm con người bé tí tẹo như dấu chấm câu. Vọi lên trên nền xanh mượt mà ấy là con đường huyện lộ như con trăn khổng lồ dài miên man đang uốn lượn trườn từ bản làng này qua bản làng khác. Có chỗ gấp khúc liên tục như một đoạn ruột non trong tranh giải phẫu nhân thể treo ở các phòng khám khoa tiêu hóa. Người cựu lính biên phòng nói rằng cư trú nơi đất thấp là các bản của người Thái, người Mán đỏ, người Lô Lô, Thanh Y, Thanh Phán. Cư trú trên cao lại là người Mèo, hay gọi là người Mông cũng được.
Khi còn trẻ tuổi, thời cách nay hơn bốn chục năm, Hà Giang trong tôi là một miền đất xa lắc xa lơ "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Lứa tôi học xong đỗ đạt thành nghề mà anh nào được tổ chức phân công lên Hà Giang nhận công tác coi như gặp hạn cắn răng chịu. Thực ra không có gì đáng trách cứ. Đang ở đồng bằng, gần người thân, lên Hà Giang đường sá đâu như bây giờ, xe cộ đâu như bây giờ, cuốc bộ hoặc cưỡi ngựa, năm trăm cây số vượt rừng lội suối trùng trùng cách trở. Những tên gọi "Cổng trời", "Dốc Bắc Sum - hùm Làng Đán", những câu nói "Rừng thiêng nước độc", "Sống trên đá chết vùi trong đá" đã là nỗi kinh sợ của khách bộ hành một thời xưa. Hay như con đốc ở xã Cắn Tỷ lính biên phòng đã ngao ngán đặt tên lại là Chối Tỷ. Nhưng nay nơi ấy lại là kỳ quan được liệt vào thắng cảnh cần phải đến với Công viên địa chất toàn cầu. Và tôi đã đến khi tuổi không còn trẻ. "Phượt" tới Hà Giang, háo hức như thời trai trẻ. "Một đèo một đèo lại một đèo/Khen ai khéo tạo cảnh cheo leo!" mà vẫn thích.
Giờ, đi theo đường cắt dọc, mới hiểu thế nào là kỳ quan quyến rũ đến sững sờ. Đây là hoang mạc đá tuyệt đẹp Sảng Tủng, Cán Chu Phìn, Lũng Pù. Trên thảm thực vật xanh rờn là các đụn đá đen mốc hình nơm úp cá, mọc dày lô xô như gai mít trải đều tít tắp xa. Đến một nơi khác lại là rừng hoa đá Khâu Vai mỗi hoa mỗi dáng kiểu. Tiếp nữa là bãi Hải Cẩu đá Vần Chải. Có chỗ đá loang lổ từng khoanh hai màu trắng đen lại như bãi của Chim cánh cụt đá. Rồi lại là bãi đá hình kim tháp ở Pả Vì, bãi đá thuôn nhọn vút lên như măng tre cao trên tầm đầu người với. Ở Sà Phìn lại có kim tự tháp đá. Thật thiên hình vạn dạng, muôn vẻ muôn màu.
Chỉ khi qua Đồng Văn lên tới Mèo Vạc, thấy cô bác sĩ y tế cộng đồng của WHO lùa hai ngón tay trỏ ấn vào hai lỗ tai, há miệng ngáp cho nhĩ tai trở lại vị trí cũ, hệ lụy lên cao không khí loãng, thì anh cựu lính biên phòng mới cười toe toét nói "Cô đã tới được ngực yếm công viên đá rồi! Hãy thở đều đi!". Tôi và tay điêu khắc trẻ nhìn nhau bật cười. Cô bác sĩ y tế cộng đồng gượng cười. Còn bận thở.
Một ngày xe leo 200km đường đèo núi dốc rợn người, bên mép đường kề vực thẳm chênh vênh, song những gì chợt gặp trên lộ trình lại khiến ta siêu lòng, mê mẩn, ám ảnh cùng ngất ngây, mà thán phục sự hữu tình của trời đất, của quá trình hình thành vỏ Trái đất với bao bí ẩn diệu kỳ chứa trong lòng sâu, cùng diện mạo bên ngoài Cao nguyên đá Đồng Văn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.