Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức vươn của thành phố trẻ

Đức Hải - Đức Thuật| 30/04/2012 06:59

(HNM) - Qua ô cửa tròn, thành phố (TP) hiện rõ dần, trải dài tít tắp và lung linh rực rỡ. Chỉ vào khối hình trụ rực sáng như một búp sen khổng lồ dưới cánh máy bay, bạn đồng hành ngồi kế bên nói:


Nhìn cái quầng sáng đô thị mà tâm điểm là tòa tháp lộng lẫy như ngọn hải đăng kiêu hãnh vươn lên, có thể cảm nhận được sự phát triển nhanh, năng động và sáng tạo… của TP này.

Tòa tháp Financial Bitexco Tower. Ảnh: Nguồn Bitexco


Khát vọng vươn cao

Chiều lòng khách phương xa, mấy ngày sau đồng nghiệp dẫn tôi lên tòa tháp Financial Bitexco Tower (BFT), "để cảm nhận rõ hơn về sự phát triển của TP mang tên Bác". Cái búp sen rực rỡ thấy qua cửa sổ máy bay chính là tòa cao ốc người ta thường gọi là "tháp Tài chính", tọa lạc tại trung tâm quận 1, ngay bên sông Sài Gòn. Đứng trên đài quan sát ở tầng 49, đồng nghiệp giới thiệu về tòa tháp chiếm giữ nhiều kỷ lục về xây dựng ở Việt Nam. Khởi công năm 2007, tháp do KTS người Mỹ Carlos Zapata thiết kế, chủ đầu tư là một doanh nghiệp thuần Việt - tập đoàn Bitexco Group, cái tên gắn với nhiều dự án bất động sản đình đám, như Khu đô thị The Manor Hà Nội, The Manor TP Hồ Chí Minh, The Garden… Tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, tòa nhà được xây dựng trên diện tích 6.000m2, chiều cao từ mặt đất đến đỉnh là 262m, tương đương 68 tầng. Tính đến thời điểm khánh thành (ngày 31-10-2010), BFT cao nhất Việt Nam, xếp thứ 5 thế giới về tổng diện tích sàn của một tòa nhà đơn lẻ (49.000m2). Tại thời điểm khởi công, nó đứng thứ 17 trong số những cao ốc chọc trời trên thế giới và xếp hạng 110 lúc khánh thành… Tuy nhiên, như KTS C.Zapata nhận định: "Cạnh tranh về độ cao không có ý nghĩa gì cả bởi bất cứ độ cao nào cũng có thể bị vượt qua một cách dễ dàng". Lấy ý tưởng từ hình ảnh búp sen duyên dáng và thuần khiết, biểu tượng cho văn hóa truyền thống Việt Nam, tòa nhà thể hiện tầm vóc và bản sắc của người Việt, đồng thời truyền tải thông điệp "vươn cao" hướng tới tương lai. Cái ý tưởng táo bạo ấy khiến BFT có tính phức tạp bậc nhất về mặt kiến trúc, đặt ra những thách thức lớn cho khâu thi công. Lối kiến trúc không đối xứng khiến diện tích các tầng không giống nhau; mỗi tấm kính (trong số 6.000 tấm kính bao quanh tòa nhà) có kích thước khác nhau, có hình dạng cong, được sắp xếp theo dạng hình trụ nghiêng chứ không phải theo hình chữ nhật thẳng đứng… Đặc biệt, nhìn thanh thoát thế nhưng thiết kế chịu được rung lắc khi gió to, bão lớn. BFT cũng là tòa tháp đầu tiên ở Việt Nam xây dựng sân đỗ trực thăng. Việc lắp ráp trên 250 tấn thép liên kết bởi 4.000 bulông ở không gian lơ lửng (tầng 52, mở rộng ra 22m so với cấu trúc chính của tòa tháp) cũng là một thử thách lớn và đơn vị thi công phải mất gần một năm để hoàn thiện.

"Điên rồ", "phi hiện thực"… đó là những từ ngữ đi kèm những cái lắc đầu khi Bitexco công bố kế hoạch đầu tư táo bạo của mình. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ cựu cũng nghi ngờ tính khả thi của dự án. Cũng dễ hiểu, bởi thời điểm đó chưa có doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nước ngoài dám xây một tòa nhà cao 40 tầng ở Việt Nam. Song, như thông điệp ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Bitexco gửi gắm: "Người Việt không hề thua kém, thậm chí có thể đi tắt đón đầu, vượt người nước ngoài". Thế rồi sau khi hoàn thành, BFT trở thành biểu tượng cho sự năng động phát triển của TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Không ngừng mở rộng

Từ tháp BFT nhìn xung quanh, dễ nhận ra những khu đô thị như làn sóng lan tỏa, rộng tít tắp tới chân trời. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm, thậm chí cả trên Hóc Môn, Củ Chi… được kết nối bởi hệ thống giao thông chằng chịt như những sợi chỉ, cùng vô số cây cầu như Thủ Thiêm, Nguyễn Văn Cừ, Rạch Chiếc, Calmet, Ông Lãnh… Không thể nhớ chính xác TP có bao nhiêu cây cầu (và sẽ còn tiếp tục xây dựng bao nhiêu cầu, như cầu Sài Gòn 2 mới được khởi công cách đây ít ngày để thay thế cầu Sài Gòn cũ đã xuống cấp bởi năm tháng, bởi chiến tranh và sự quá tải), song mỗi cây cầu, dù lớn hay nhỏ đều tạo ra điểm nhấn duyên dáng cho diện mạo đô thị hiện đại. Xa xa về hướng tây nam, nổi bật trên nền trời xanh là cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn với 6 làn xe, không chỉ "nối nhịp bờ vui" cho quận 7 với quận 2 và quận 9 - những khu vực đô thị hóa mạnh mẽ, mà còn góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ của TP khi kết nối với các tuyến đường vành đai. Khởi công tháng 9-2005, khánh thành dịp 2-9-2009, cầu Phú Mỹ là một trong số vài công trình trên thế giới được áp dụng kỹ thuật cầu dây văng hiện đại nhất hiện nay.

Lúc xe chạy qua Hầm vượt sông Sài Gòn để sang bán đảo Thủ Thiêm thuộc quận 2, bạn đồng nghiệp nói với tôi: "Trong tương lai không xa, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sông Sài Gòn sẽ như Phố Đông với sông Hoàng Phố ở Thượng Hải bên Trung Quốc". Nằm kề trung tâm quận 1, chỉ cách có con sông rộng chừng vài trăm thước mà bao năm trời Thủ Thiêm gần như bị cô lập bởi đò giang cách trở. Bên này là đô thành hoa lệ, bên kia là những xóm nhỏ lụp xụp, tăm tối với những rặng dừa nước, lau sậy um tùm. Thế nhưng, khi cầu Thủ Thiêm xây xong (đầu năm 2010), rồi Hầm vượt sông Sài Gòn hoàn thành cuối tháng 11 năm ngoái, đã tạo hình hài cho một khu đô thị bên sông Sài Gòn, tạo sự đối xứng hài hòa với khu vực trung tâm hiện hữu. Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 737ha với đủ các phân khu chức năng như khu nhà ở, trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ cao cấp, khu nghỉ dưỡng, quảng trường trung tâm, sân vận động, các công trình văn hóa… phục vụ cho 130 nghìn cư dân, là nơi làm việc của 350 nghìn người, lượng khách tới tham quan, nghỉ ngơi lên tới 1 triệu người/ngày. Một khu đô thị hiện đại, hài hòa về mặt kiến trúc: lõi trung tâm được xây dựng cao ốc tới 40 tầng, còn lại khống chế dưới 32 tầng. Một cán bộ Ban quản lý dự án khu đô thị mới đã nói với chúng tôi rằng, hầm vượt sông Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm sẽ giúp vùng đất này rũ bỏ chiếc áo lụp xụp để trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa mới của TP. Và điều quan trọng là khu đô thị này có vị trí đắc địa: được sông Sài Gòn ôm trọn vào lòng. Khi đưa ra yêu cầu quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, các nhà quản lý đã đặc biệt quan tâm đến địa thế bán đảo được sông Sài Gòn uốn lượn bao quanh. Thế là, bao năm trời chỉ được tận dụng, khai thác bên bờ Tây, giờ đây vẻ đẹp kiêu sa của sông Sài Gòn đã được đánh thức, được khai thác tối đa lợi thế bởi Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đi trên đại lộ Đông Tây thênh thang, tôi hình dung về cách đây hơn chục năm, khi những người có trách nhiệm lúc ấy xắn tay triển khai ý tưởng xây dựng một trục giao thông chiến lược kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam của TP, dài gần 22km xuyên qua 7 quận (quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân) và huyện Bình Chánh, nhằm cải thiện hệ thống giao thông nội thị đã quá tải, tạo tiền đề cho việc giãn dân ở trung tâm, đặc biệt là hình thành trung tâm thành phố trong tương lai ở bán đảo Thủ Thiêm. Dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây, trong đó có Hầm vượt sông Sài Gòn (hầm vượt sông đầu tiên ở Đông Nam Á) giờ đã thành hiện thực, trở thành con đường huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tạo mối liên kết chặt chẽ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngồi quán cà phê ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) ngắm mấy cánh diều đám trẻ thả trên bãi đất trắng bông lau có cảm giác thư thái lạ lùng. Mật độ dân cư vừa phải, hạ tầng khang trang, hiện đại, nhiều cây xanh, Phú Mỹ Hưng được ví như Singapore nhờ môi trường trong sạch. Đại lộ Nguyễn Văn Linh với 12 làn xe cơ giới, như "xương sống" kết nối quận 7 với quận 1, quận 2, quận 9, quận 4, huyện Bình Chánh… qua các cây cầu Ông Lãnh, Tân Thuận, Phú Mỹ… Không chỉ có Phú Mỹ Hưng, hàng loạt dự án, căn hộ cao tầng nằm trong Khu đô thị Nam Sài Gòn cũng đã, đang đua nhau mọc lên với những lối kiến trúc hiện đại.

Ba mươi bảy năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vẫn không ngừng phát triển, ngày càng mở rộng, tráng lệ hơn. Nhưng khác với ba mươi bảy năm trước, giờ đây những khu đô thị mới khang trang, những công trình hạ tầng hiện đại này được xây lên để đáp ứng nhu cầu dân sinh, là của nhân dân và vì nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức vươn của thành phố trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.