(HNM) - Ngày nay, thông tin đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong quản lý nói chung, kể cả trong điều hành đất nước.
Thực tế, thông tin đã giúp ích rất nhiều trong quá trình công khai, dân chủ như từ chất lượng xử các vụ án, công khai minh bạch giá xăng dầu, giá điện, đến những vấn đề có tầm vĩ mô lâu dài như an toàn giao thông, đề phòng biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề chống tham nhũng... Đảng và Nhà nước đã ghi nhận báo chí là một kênh quan trọng trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, là một kênh quan trọng trong điều hành, quản lý của Nhà nước.
Về vấn đề chống tham nhũng, có thể ước lượng không quá rằng 60% đến 80% số vụ tham nhũng là do báo chí phát hiện hoặc được thông qua báo chí để tạo áp lực dư luận bảo đảm công khai, công bằng trong xử lý. Nhờ sự phát hiện, giám sát kiên quyết và kiên trì của báo chí, nhiều vụ việc đã không bị "chìm xuồng", không bị lọt người lọt tội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta.
Nhưng nếu kỹ lưỡng điểm lại vấn đề chống tham nhũng trên báo chí mấy năm gần đây sẽ thấy rằng, số lượng các vụ việc nêu ra được xử lý triệt để cơ bản là nhiều nhưng cũng có một số vụ bị "chìm xuồng". Tuy ít, nhưng những vụ việc "sót lại" này đã để lại bức xúc trong xã hội và ngay cả báo chí cũng chưa thật "thông" (nói theo cách cũ) hoặc "tâm phục khẩu phục" (nói theo cách thông dụng hiện nay). Chẳng hạn, vụ hợp đồng in tiền với nước ngoài ngày nào sôi động trên báo chí, một số người có trách nhiệm đã hứa sẽ làm rõ và xử lý triệt để, đương sự cũng đã lên tiếng để hạ nhiệt dư luận. Thế nhưng mấy năm rồi, sự việc dần rơi vào "im lặng", và đến nay coi như không có gì xảy ra. Đương nhiên là đương sự chức vẫn giữ, chỗ răn dạy thiên hạ vẫn có, còn người dân thì vẫn phải dùng thứ sản phẩm chất lượng kém, thậm chí quá kém. Lại nữa, có ông là lãnh đạo cao cấp của một địa phương hứa trả nhà (được bố trí theo tiêu chuẩn khi còn đương chức) sau khi nghỉ hưu, nhưng rồi đã nghỉ hưu đến 5 năm sau mà vẫn không thấy động tĩnh gì. Lại nữa, có người liều lĩnh tham nhũng cả triệu USD, đi tù vài năm để rồi mãn hạn tù hợp thức rất ngoạn mục việc hưởng an nhàn bằng đồng tiền tham nhũng. Lại nữa, cùng kiếm chác, cùng vô trách nhiệm để thất thoát, lãng phí vài chục nghìn tỷ đồng, khi doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, họ cùng đánh bài lảng, đổ lỗi cho một thực thể "là tất cả nhưng chẳng là ai", đó là tập thể, mặc Nhà nước gánh nợ…
Nhiều việc làm như thế đã hạn chế hiệu lực quản lý nhà nước, của báo chí, đã tạo ra một "kinh nghiệm" tốt cho kẻ xấu: mặc báo chí nói gì thì nói, mặc người dân bức xúc, việc đục khoét là của mình và mình cứ làm. Việc không xử lý đến nơi đến chốn như vậy còn là cái cớ để nhiều kẻ tìm cách khoét vào lòng tin của dân, từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Trong thời buổi cứ 5 người Việt Nam có một người sử dụng internet, hàng triệu người có thể phát biểu ý kiến riêng trên internet, nếu không xử lý các vụ việc tiêu cực một cách nghiêm minh và triệt để thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng để tung hỏa mù, nói xấu. Trong bối cảnh đó, sức mạnh thông tin thuộc về cái thật, cái đúng. Mà muốn có cái vừa thật vừa đúng của thông tin thì trước hết cần phải triệt để đúng và triệt để thật trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.