(HNM) - Từng hồi còi tàu dài cất lên chào đất liền, tàu HQ 996 rẽ sóng thẳng tiến ra khơi đưa chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 35 năm sau ngày giải phóng, với sức sống mãnh liệt diện mạo của huyện đảo Trường Sa đang đổi mới từng ngày, xanh hơn, hiện đại hơn, kiên cố hơn…
Mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng Trường Sa tại đảo Nam Yết. |
Theo bước chân thần tốc
Những dập dềnh, dồn lắc của sóng gió đại dương dường như chỉ là chuyện nhỏ khi biết trong hải trình 12 ngày đêm, chúng tôi sẽ lần lượt được đến thăm các đảo theo đúng "bước chân thần tốc" của các chiến sĩ hải quân năm xưa. Sau gần 2 ngày lênh đênh giữa đại dương mênh mông, 5h sáng đảo Song Tử Tây đã hiện ra xanh ngắt một màu với âu tàu dài như vòng tay chào đón những người con thân yêu từ đất liền. 30 phút chờ đợi từ xuồng chuyển tải vào đảo tưởng như vô tận, cuối cùng tôi cũng đã được đặt chân lên Song Tử Tây - đảo đầu tiên được giải phóng trong những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975.
35 năm trước, trong khí thế hào hùng của những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chấp hành chỉ thị của Quân ủy TƯ với phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ", Hải quân Việt Nam đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, bám sát tình hình, mưu trí tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa. Rạng sáng 14-4-1975, Quân chủng Hải quân đã sử dụng lực lượng tàu HQ 673, HQ 674, HQ 675 của Lữ đoàn 125 chở các lực lượng đặc công bí mật đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Sau 30 phút chiến đấu, đến 5h15 cùng ngày Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo. Liên tiếp sau đó là chuỗi chiến thắng từ các đảo Sơn Ca, Nam Yết, đến Sinh Tồn đã là những tiền đề vững chắc để đến 9h ngày 29-4-1975 Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Trường Sa. Chiến thắng này là mốc son quan trọng, đánh dấu sự kiện quần đảo Trường Sa - mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió đã hoàn toàn được giải phóng.
Thắp sáng biển Đông
Trường Sa - tên gọi thân thương, thiêng liêng và cũng đầy sức quyến rũ với mỗi người dân nước Việt. Tiếp bước các anh, các chị trong Báo Hànộimới, tôi đến với quần đảo Trường Sa để tận mắt được chứng kiến cuộc sống và những thay đổi kỳ diệu nơi quanh năm sóng cồn gió giật. Hàng ngàn đời nay, Trường Sa đã là ngư trường lớn của ngư dân Việt và 35 năm qua, cùng với sự chung tay góp sức của cả nước, cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa đang từng ngày đổi thay.
Xanh, đó có lẽ là cảm nhận đầu tiên khi đến với Trường Sa. Bao quanh những con đường bê tông chạy ngang dọc khắp các đảo là vòm xanh của các loại cây: phong ba, bàng vuông, những hàng tra xanh mướt. Trên nền cát bỏng trơ cằn sỏi san hô ngày nào, tại Nam Yết những rặng dừa đã xanh xanh cao vút thi gan cùng gió bão, nắng mưa, bám trụ kiên cường cùng người lính giữ đảo. Những vườn rau thanh niên xanh ngắt một màu dù được trồng trên đảo nổi hay trong những khoảng không chật hẹp ở đảo chìm. Dòng nhắc việc "Tối nay xem thời sự xong toàn đảo bắt sâu rau" trên đảo Len Đao cũng đủ giúp mọi người hình dung những công phu, vất vả của các chiến sĩ trong việc gìn giữ, mang lại màu xanh cho đảo.
Tàu cập cảng đảo Trường Sa lớn. Từ trên boong đã nhìn thấy mái ngói đỏ au của "Nhà khách Thủ đô", quà tặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội dành cho Trường Sa thân yêu. Tọa lạc ở vị trí "đắc địa" ngay cạnh cầu tàu cửa ngõ chính ra vào đảo, phía trước là đường băng sân bay, Nhà khách Thủ đô với diện tích trên 500m2, hơn 20 phòng sẽ là nơi nghỉ ngơi lý tưởng cho các đoàn công tác, tham quan mỗi khi tới đảo. Trong niềm vui gặp đồng hương Hà Nội ngay tại Trường Sa, Trung tá Nguyễn Văn Hòa, quê Ba Vì chia sẻ "Chúng tôi rất vui và tự hào về món quà đầy ý nghĩa mà Hà Nội đã dành cho Trường Sa. Công trình đã là nhịp cầu nối Thủ đô với Trường Sa trong trái tim mỗi chiến sĩ trên đảo, không chỉ riêng người Hà Nội".
Màn đêm buông xuống cũng là lúc thị trấn Trường Sa bừng sáng bởi ánh điện lung linh từ hệ thống năng lượng gió và mặt trời. Từ trên tàu nhìn về vầng sáng huyền ảo đó, ai cũng ao ước đêm qua thật nhanh để lại được lên đảo, được sục chân vào dải cát mềm và quan trọng hơn là được nghe tiếng nói, tiếng cười của quân, dân trên thị trấn. Chợt nhớ những sẻ chia của chị Trương Thị Quyên, một người dân sống ở thị trấn Trường Sa - nơi đầu tiên thực hiện thí điểm lắp đặt hệ thống năng lượng sạch. Điện làm người ta có cảm giác đêm ở đảo như ngắn hơn và cũng giúp chúng tôi cảm thấy gần đất liền hơn. Sướng nhất là tụi trẻ, có điện tha hồ học hành, bật quạt mát".
Tại những nơi chúng tôi đã đi qua từ Song Tử Tây, đến Sơn Ca, qua Nam Yết rồi Sinh Tồn Đông tới Len Đao, Đá Tây, Đá Thị, nơi nào cũng bắt gặp những tấm pin năng lượng mặt trời hay những cột tuốc bin gió vươn cao. Theo kế hoạch, đến ngày Tết Độc lập của dân tộc, tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ bừng sáng giữa biển Đông bởi nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên. Điện sẽ không chỉ bảo đảm năng lượng cho nhu cầu sinh hoạt mà còn đáp ứng công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thắp nén nhang thơm nơi mái chùa thâm nghiêm, trèo lên điểm cao nhất của ngọn hải đăng Song Tử Tây, gặp lại màu ngói đỏ của các hộ dân, màu xanh của những vườn cây, nhìn đàn bò thơ thẩn gặm cỏ dưới tán cây phong ba thấy hiểu hơn hai chữ thiêng liêng Tổ quốc. Phóng mắt ra xa, phía chân đảo là âu tàu nơi cung cấp nước ngọt, bán dầu, lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho ngư dân đi biển. Lại nhớ ánh mắt sáng và lời nói chắc nịch của Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Văn Thắng: Trường Sa đang đổi thay từng ngày. Ánh sáng của điện, rồi các khu dịch vụ nghề cá, có âu tàu, đường băng sân bay rồi các khu cứu hộ, cứu nạn và rất nhiều công trình dân sinh đã góp phần nâng cao đời sống của quân - dân huyện đảo và "kéo huyện đảo Trường Sa gần hơn với đất liền".
Tin rằng, Trường Sa - thành trì vững chắc nơi biển Đông của Tổ quốc trong tương lai không xa sẽ là điểm đến cho những cơ hội phát triển kinh tế và du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.