Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống mới ở nông thôn Hà Nội

Hoàng Sơn| 02/11/2015 05:57

(HNM) - Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, nông thôn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn...


Nông thôn khởi sắc

Những ngày này, ở khắp các nẻo đường Hà Nội đều cảm nhận được không khí tưng bừng chào đón Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của TP Hà Nội. Tại xã Tam Thuấn (Phúc Thọ), hệ thống đường làng, ngõ xóm, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Ông Đỗ Duy Nghĩa, ở thôn Táo Ngoại, xã Tam Thuấn phấn khởi cho biết: Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống giao thông của xã đã được cứng hóa bằng bê tông. "Từ ngày có những con đường NTM, bà con đi lại sản xuất được thuận lợi, các cháu học sinh đến trường không còn phải đi trên những con đường lầy lội nữa".


Ngoại thành Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Bá Hoạt


Rất ấn tượng khi chúng tôi về xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ), hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư khớp nối đồng bộ. 152 tuyến đường thôn, xóm với chiều dài 22,5km đã được bê tông hóa khang trang. Theo ông Nguyễn Kim Hường, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận, trong những ngày này địa phương đang tập trung mọi nguồn lực gấp rút hoàn thiện chợ nông thôn, nhà văn hóa, thư viện, nhà tập kết rác thải, đường giao thông liên thôn... Đến cuối năm 2015, các công trình này được đưa vào sử dụng chắc chắn diện mạo xã Hiệp Thuận sẽ khởi sắc hơn. Đây cũng là động lực để địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

Theo báo cáo của huyện Phúc Thọ, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình 02, Phúc Thọ đã có 10 xã đạt tiêu chuẩn NTM và đến cuối năm 2015 phấn đấu nâng lên 17/22 xã. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết: Huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây mới và nâng cấp 37,8km đường trục xã, liên xã; 52km đường trục thôn và 177km đường ngõ, xóm... Đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã đạt chuẩn là 95%, đường liên thôn là 96,2%, đường ngõ xóm là 91,5%; giao thông thủy lợi nội đồng được cứng hóa... Hệ thống trường học được xây dựng khang trang, đến năm 2015, Phúc Thọ đã có 34 trường học đạt chuẩn quốc gia (47,2%); tỷ lệ trường lớp được kiên cố hóa là 98,3%. Đặc biệt, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và hệ thống truy cập internet đến tận cụm dân cư.

Tại các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức... diện mạo nông thôn cũng có sự đổi mới toàn diện. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, tổng kinh phí đầu tư cho NTM trên địa bàn thành phố lũy kế đến hết quý II-2015 khoảng 24.700 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước gần 18.900 tỷ đồng (gồm ngân sách thành phố 7.450 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã hơn 13.000 tỷ đồng); nguồn vốn huy động trong nhân dân, doanh nghiệp là 5.820 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện Chuơng trình 02, Hà Nội đã có 166/386 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến cuối 2015 có 179/386 xã đạt chuẩn NTM (bằng 46,4%), vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, huyện Đan Phượng đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015. Đồng thời, Hà Nội phấn đấu có thêm 3 huyện là Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được công nhận NTM trong năm 2016.

Đời sống người dân được nâng cao

Theo ông Chu Phú Mỹ, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển "tam nông" và đã triển khai 7 chương trình, đề án phát triển nông nghiệp như: Chương trình phát triển vùng lúa chất lượng cao; nuôi trồng thủy sản; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm; đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn; phát triển vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn và đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh. "Những chính sách, đề án hỗ trợ của thành phố đều nhằm mục đích nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập cho người nông dân" - ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

Tại huyện Đông Anh, sau 4 năm thực hiện Chương trình 02, đời sống của người dân đã có chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18% (năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt trên 30 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết: Đông Anh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân như hỗ trợ cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Huyện cũng có chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa giá trị cao như vùng trồng rau an toàn tại xã Nam Hồng, Vân Nội, Tiên Dương, Nguyên Khê; vùng trồng hoa, cây cảnh ở xã Uy Nỗ, Kim Nỗ, Tam Xá...

Huyện Đan Phượng xác định mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, huyện tập trung vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Đến nay, huyện Đan Phượng đã triển khai được 9 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với diện tích hơn 950ha. Nhiều mô hình cây ăn quả, rau an toàn, hoa… cho thu nhập 1-1,5 tỷ đồng/ha/năm, đời sống người dân đã được nâng cao rõ rệt…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết: Khu vực ngoại thành chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp nên tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian tới, để khu vực này rút ngắn khoảng cách về mọi mặt với nội thành, Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cho "tam nông"; nhất là đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn ứng dụng cơ giới hóa…; đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2016-2020, nông thôn Hà Nội được đổi mới toàn diện. Thu nhập bình quân của người dân ngoại thành đạt 40-45 triệu đồng/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới ở nông thôn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.