Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống mới ở Lâm Hà

Nguyễn Đức| 29/07/2012 08:04

(HNM) - Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) được thành lập ngày 24-10-1987, trên cơ sở lấy vùng kinh tế mới Hà Nội làm nòng cốt. Nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối đồi núi, những tưởng huyện Lâm Hà khó khăn lắm, nhưng vừa tới, chúng tôi đã bất ngờ vì sự phát triển nơi đây, trong đó có   đóng góp không nhỏ của những người con Hà Nội.

Trồng hoa, mô hình làm kinh tế hiệu quả của người Hà Nội ở Lâm Hà.


Tuy xa mà gần

Quốc lộ 27 từ Ban Mê Thuột đi Lâm Hà nhỏ hẹp, nhiều ổ gà, đèo dốc với toàn vách và vực sâu. Hoang vu quá! Định ngủ chút giữ sức, chợt chúng tôi bắt gặp những nóc mái nhà mang dáng dấp, kiến trúc miền xuôi với ngói đỏ tươi, san sát bên đường, gần gũi, quen thuộc. Người phụ xe trẻ tuổi cho biết, đã tới Phú Sơn, một xã thuộc huyện Lâm Hà. Càng vào sâu hơn, chúng tôi càng thấy tình cảm, nỗi nhớ quê hương của những người con Hà Nội xa quê qua cách đặt tên xã, tổ dân phố gần gũi, thân thương như Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Liên Hà hay phố chợ Thăng Long, Từ Liêm, Thành Công… Lòng tôi xốn xang khó tả, khi cách xa Thủ đô đến 1.500km, giữa cao nguyên lộng gió này, lại gặp những địa danh vô cùng quen thuộc.

Hiện, người gốc Hà Nội chiếm tới 63% dân số của huyện. Những năm qua, TP Hà Nội đã liên tục dành vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân dân địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Nguyễn Đức Tài, các công trình đó đều đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Có thể cảm nhận rõ ràng điều này khi tới thị trấn Nam Ban, hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa khang trang. Tới Nam Ban cứ ngỡ như đang ở Hà Nội, bởi cách sống, sinh hoạt, tiếng nói chẳng khác gì Hà Nội. Phóng viên Duy Danh (Báo Lâm Đồng) một người rất rành rẽ về đất và người Lâm Hà đi cùng tôi cho biết, nhiều học sinh là người dân tộc cũng bị ảnh hưởng và phát âm chuẩn như… người Hà Nội.

Ấn tượng phát triển kinh tế

Gần gũi, thân thương đấy, nhưng ấn tượng lớn nhất người dân Lâm Hà để lại trong tôi là khả năng phát triển kinh tế. Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương hiện đạt trên 1.000 USD/năm với mũi nhọn kinh tế là cây cà phê, chè, nông nghiệp công nghệ cao như rau, hoa… Nghe các "lão nông" địa phương nói chuyện thu nhập vài trăm triệu, gần tỷ đồng/năm nhẹ như không! Ông Hoàng Đại Từ, ở tổ dân phố Từ Liêm 1, thị trấn Nam Ban cho biết, gia đình có 5ha cà phê, trừ chi phí thuê nhân công chăm sóc, thu hái, mỗi năm lãi khoảng 300-400 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm trang trại nuôi lợn của gia đình ông còn cung cấp cho thị trường 36 tấn thịt, lãi thêm khoảng 300 triệu đồng. Chỉ ngôi biệt thự nằm giữa vườn cà phê, ông "khoe": "Mỗi sàn rộng hơn 100m2, xây từ năm 2009 chỉ có… 800 triệu đồng à!".

Không được như ông Từ, nhưng mỗi năm, hai vợ chồng người thương binh Trương Văn Liêm, tổ dân phố Thành Công, thị trấn Nam Ban cũng kiếm được trên 100 triệu đồng từ vườn cà phê 1,2ha, đủ sức nuôi con học ĐH ở TP Hồ Chí Minh. Hiện, 3/4 người con của ông bà đã ở hẳn TP sinh sống, làm việc.

Những người không có điều kiện đất đai lớn để trồng cà phê cũng tìm cho mình hướng đi riêng, với mức thu nhập đáng nể. Ví dụ như hộ ông Phạm Văn Tường, quê ở Mê Linh, chỉ có 2,5 sào. Với diện tích này, nếu trồng cây cà phê hiệu quả không cao, ông quyết định chuyển sang trồng hoa hồng môn, trung bình mỗi năm cũng lãi khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh nghề hoa, gia đình còn mua chè về chế biến bán ra thị trường. Tương tự, vợ chồng anh Phạm Xuân Tuyền, ở tổ dân phố Đông Anh 4 trồng hơn 1,5 sào hoa đồng tiền, trung bình mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ngoài phát triển kinh tế bằng sản xuất nông nghiệp, ở Lâm Hà cũng có những tấm gương sáng phát triển kinh tế dựa trên nghề truyền thống. Tiêu biểu là anh Nguyễn Ngọc Hưng (quê ở Chàng Sơn, Thạch Thất), trú tại xã Tân Hà, Chủ nhiệm HTX Hưng Thịnh. Sinh năm 1974, cùng gia đình vào Lâm Hà lập nghiệp từ năm 1980, sau nhiều năm kinh doanh áo cưới, chụp ảnh, năm 2007, phát hiện lợi thế nguyên liệu gỗ, anh quyết định về quê cũ tuyển thợ mộc giỏi để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nội thất. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 10 tỷ đồng, lãi hơn 1 tỷ đồng.

Kinh tế hộ gia đình phát triển là tiền đề quan trọng giúp lời kêu gọi nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang được thuận lợi. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, Hoàng Ngọc Trọng cho biết, ngoài đường liên thôn, liên xã được nhà nước đầu tư hoặc TP Hà Nội hỗ trợ, các tuyến ngõ xóm cũng đã, đang từng bước hoàn thiện theo hình thức Nhà nước đầu tư 50%, còn lại nhân dân đóng góp, nhận được sự ủng hộ tích cực của bà con. Riêng năm 2011, các địa phương đã huy động sức dân làm được 4,1km đường bê tông, với tổng mức đầu tư 3,2 tỷ đồng.

Lâm Hà đang phát triển mạnh mẽ từng ngày, mục tiêu Đảng bộ, chính quyền địa phương đặt ra là đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 2.000USD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới ở Lâm Hà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.