Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức “nóng” từ bờ ra biển

Nhóm PV PSĐT| 11/03/2014 06:27

(HNM) - Đã 3 ngày trôi qua, thông tin về chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích vẫn là một ẩn số không chỉ với Việt Nam mà của cả thế giới.

Trung tâm Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn quốc gia (26 Hoàng Diệu, Hà Nội) chưa khi nào đông người đến thế. Từ mấy ngày nay, khi thông tin về chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia mất liên lạc và nghi rơi xuống vùng biển gần thềm lục địa của Việt Nam, tại trung tâm, bất kể ngày hay đêm luôn có hàng trăm người ứng trực. Cán bộ, chiến sĩ của trung tâm được huy động tối đa, đó là chưa kể đến đội ngũ phóng viên báo chí cả trong nước và nước ngoài. Mọi diễn biến từ hiện trường do lực lượng không quân, hải quân, cảnh sát biển và cả của ngư dân gửi về đều ngay lập tức được xử lý, phân tích và thông báo đến các quốc gia khác cùng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. 

Phóng viên trong nước và nước ngoài liên tục cập nhật thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn quốc gia.


Căn phòng được xem là "bộ não" của sở chỉ huy này là Trung tâm Điều hành tìm kiếm cứu nạn. Rộng chỉ khoảng 40m2 nhưng ở đây lỉnh kỉnh thiết bị từ máy tính, máy fax, điện thoại liên lạc, bản đồ… Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trung úy Đặng Thị Nhung, Phòng Ứng phó sự cố tràn dầu của trung tâm cho biết, kể từ khi nhận được lệnh của cấp trên, tất cả cán bộ, chiến sĩ tại trung tâm đều được huy động. Mỗi người đảm nhận một vị trí, sao cho bảo đảm đủ quân số ứng trực 24/24h để xử lý thông tin đưa về một cách nhanh chóng nhất. Bếp ăn cũng được tăng cường thêm quân số phục vụ. Bình thường, trung tâm có khoảng 40 người đăng ký suất ăn, những ngày này, con số đó tăng gần gấp đôi, gấp ba. "Mệt thì rất mệt nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực, hết mình mong sao công tác tìm kiếm sớm có kết quả"- Trung úy Nhung chia sẻ.

Đã từng tác nghiệp trong tình huống cứu hộ cứu nạn, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng như lần này. Cơ quan "đầu não" của trung tâm chỉ huy liên tục tiếng điện đàm, trao đổi từ hiện trường. Ở góc khác, nơi trải bàn đồ, chúng tôi thấy Trung tướng Võ Văn Tuấn, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cùng vài cán bộ khác đang chụm đầu kẻ vẽ, xác định tọa độ đối với từng thông tin đưa dội về. Nét mặt người nào người ấy lộ rõ vẻ căng thẳng, mệt mỏi kèm theo nỗi lo âu khó tả. Chúng tôi hiểu, cán bộ chiến sĩ của trung tâm đang nỗ lực hết mình vì sứ mệnh nhân đạo cao cả. Chỉ một tín hiệu nhỏ nhất đưa về khiến không khí phòng chỉ huy dù đang ồn ào, bàn tán sôi nổi cũng chợt im ắng đến nín thở. Thời gian như lắng lại khi những thông tin báo về lúc rõ lúc mờ...

Sáng 10-3, không khí làm việc tại Trung tâm Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn càng khẩn trương bởi sự có mặt Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Thượng tướng chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm phải cố gắng tiếp cận và lấy bằng được vật thể lạ, không bỏ sót bất cứ một thông tin nào dù là nhỏ nhất.

Gặp phóng viên Báo Hànộimới tại đây, chị Hồ Tuệ Dực, phóng viên thuộc Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bày tỏ sự hài lòng về việc chia sẻ thông tin và nhận xét: "Các bạn Việt Nam rất nỗ lực và trách nhiệm cho dù trên chuyến bay này không có công dân Việt Nam"...

Cũng như Sở Chỉ huy ở 26 đường Hoàng Diệu, suốt 3 ngày qua, các cán bộ của Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay, thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên) thay nhau trực suốt đêm "hứng" từng dòng thông tin nhỏ nhoi về chiếc máy bay bị mất tích. Đêm càng về khuya trời càng lạnh, nhưng bên trong Sở Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không vẫn "nóng". Có thời điểm, "sức nóng" như ngạt thở. Đơn cử như hồi 20h30 tối 9-3, sau nhiều giờ mệt mỏi quần thảo trên biển, tàu thủy phi cơ DHC6 báo về đã tìm thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay. Tuy nhiên trời tối nên không thể hạ cánh mà chỉ có thể chụp lại ảnh. Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lo lắng, nếu không vớt ngay nhỡ may trôi đi thì sao? Ngay lập tức, ông Lại Xuân Thanh sốt sắng nói như hét trong điện thoại: "Không được, bằng mọi giá phải vớt ngay, nếu không vớt thì ngày mai trôi mất, lấy gì để vớt". Nhận lệnh, trung tâm chỉ huy yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam điều tàu ra vị trí tìm ngay miếng composite nghi vấn... Trong số cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay, thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam có ông Bùi Văn Võ, Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay Cục Hàng không Việt Nam dù mới bị gãy chân, đang điều trị nhưng ông vẫn cố đến sở chỉ huy cùng tham gia cuộc tìm kiếm cứu nạn. Hình ảnh ông Võ tập tễnh đứng bên chiếc bản đồ xác định tọa độ hàng giờ đồng hồ cùng với đôi nạng gỗ đã thể hiện tất cả nỗ lực, tình cảm, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Việt Nam đã và đang làm trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.

Căng mắt, căng tai nơi Sở Chỉ huy phía Nam

Ngày 10-3, phóng viên Báo Hànộimới cũng đã có mặt tại Phú Quốc (Kiên Giang), nơi Sở Chỉ huy tiền phương chỉ huy công tác tìm kiếm máy bay mất tích vừa được lập cùng ngày. Hàng chục phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước cũng đã "đổ bộ" đến đây từ sáng, căng mắt, căng tai chờ đợi cập nhật từng chút thông tin được gửi về Sở Chỉ huy tiền phương. Nhiều nhóm phóng viên đi với thiết bị máy móc đồ sộ và tác nghiệp liên tục, cùng chia nhau ăn vội hộp cơm đã nguội ngắt. Buổi trưa khi có thông tin "Phát hiện vật thể lạ", tất cả mọi người quên cái mệt, cái đói xô vào phòng chỉ huy chờ đợi tin tức từ các đơn vị tìm kiếm. Đến khi Cục Hàng không Việt Nam thông báo, vào lúc 15h20’ lực lượng tìm kiếm đã vớt được vật thể nghi là phao cứu sinh nhưng thực tế chỉ là nắp cuộn cáp đã đóng rêu lâu ngày, không khí lại chùng xuống. Lúc 17h8', thông báo của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hong Kong, một máy bay trên đường hàng không L642 đã báo cáo với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hong Kong nhìn thấy một số mảnh kim loại lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09043'N-107025'E. Tọa độ này cách biển Vũng Tàu 60km về phía Đông nam. Mọi ánh mắt ánh lên niềm hy vọng. Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, Cảng vụ đã lập tức điều tàu ra xác minh, đồng thời, thông báo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các tàu chở dầu, tàu cá... phối hợp tìm kiếm, xác minh vụ việc. "Phương án huy động lực lượng tại chỗ là tối ưu nhất. Cảng vụ Vũng Tàu đã thông báo đến bộ đội biên phòng, tàu ngư dân và hàng hải tại vùng biển trên để nắm thông tin phối hợp tìm kiếm. Chúng tôi đang rất sốt ruột ngóng chờ tin tức từ các tàu báo về" - ông Chiến nói rất khẩn trương. Đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Bộ chỉ huy đã cử một tàu 3.000 mã lực với 12 chiến sĩ lên đường tìm các mảnh vỡ được máy bay Hong Kong phát hiện. Tới 19h, ông Lê Văn Chiến cho biết, một tàu container của Thái Lan trong hành trình Nam - Bắc đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm từ 17h30’ đến 18h nhưng không thấy gì.

Một ngày nỗ lực bằng mọi biện pháp tìm kiếm lại trôi qua. Nhóm phóng viên chúng tôi chứng kiến biết bao nhiêu khuôn mặt đang le lói chút niềm tin rồi bỗng lại vụt tắt trong vô vọng. Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích chưa biết đến bao giờ mới kết thúc nhưng chắc chắn Việt Nam đã và sẽ làm hết mình vì sứ mệnh nhân đạo cao cả. Tính cách và con người Việt Nam là như thế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức “nóng” từ bờ ra biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.