Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức mạnh của niềm tin

Vân Khanh| 21/10/2013 06:21

(HNM) - 16 ngày căng thẳng với nước Mỹ đã kết thúc bằng một thỏa thuận vào phút cuối để chấm dứt tình trạng bế tắc về tài chính.

Các nhân viên Nhà Trắng chúc mừng nhau trong ngày đầu quay lại làm việc


Các công sở Mỹ mở cửa trở lại, hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ liên bang đã được đi làm, các khu tham quan, mua sắm lại nhộn nhịp đón khách. Nhịp sống thường nhật như bị ngừng trệ trong hơn hai tuần qua đã bắt đầu hối hả trong guồng quay lệ thường. Niềm hứng khởi ấy không chỉ hiển hiện ở Nhà Trắng, trên đồi Capitol hay trên từng khuôn mặt của người dân mà còn được nhận thấy rõ ràng trên các sàn giao dịch tài chính Mỹ và toàn cầu.

Phố Wall đã có một tuần bùng nổ với sắc xanh trên các bảng giao dịch điện tử. Không chỉ sau khi hai đảng của Quốc hội Mỹ cùng nhất trí về một thỏa thuận chung mà ngay khi có những động thái cho thấy hai bên đang tính đến chuyện thỏa hiệp để giải quyết bế tắc thì chứng khoán Mỹ đã lập tức khởi sắc. Tính chung trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,1%, S&P 500 cộng thêm 2,4% và Nasdaq dương 3,2%. Tuần tăng điểm mạnh nhất trong 3 tháng qua của thị trường cổ phiếu Mỹ cũng tạo điểm tựa để chứng khoán Châu Á, Châu Âu tăng mạnh sau những ngày lo lắng, hồi hộp cùng các cuộc "cãi vã" bất phân thắng bại trên đồi Capitol. Kết quả là chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu lên cao nhất 5 năm khi niềm kỳ vọng vào nền kinh tế mạnh nhất thế giới đã trở lại. Bên cạnh cuộc vượt thoát ngoạn mục được xem như cú hích chủ chốt với hệ thống tài chính toàn cầu, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự định sẽ kéo dài thời hạn của gói kích thích kinh tế sang đầu năm sau thay cho cuối năm nay nhằm hỗ trợ đà hồi phục sau khi chính phủ đóng cửa cũng có ý nghĩa quyết định đối với thị trường chứng khoán. Với kế hoạch tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, cổ phiếu được xem là một kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh các thông tin lạc quan đang chiếm ưu thế.

Khi tương lai của chương trình kích thích, đang được Fed tiến hành, đã dần rõ ràng hơn, đồng USD đã ngược dòng nhanh chóng để lấy lại đà tăng giá tại Châu Á và Châu Âu. Kết thúc tuần qua, đồng bạc xanh đổi được 98,04 yen Nhật trong khi 1 euro đổi được 1,3676 USD, tăng hơn so với ngày giao dịch trước tại thị trường New York. Hai yếu tố này đã chuyển dịch trọng tâm ưu tiên của các nhà đầu tư khắp thế giới. Nếu như từng bật mạnh ngay sau công bố nâng trần nợ của Mỹ, giá vàng đã quay đầu đi xuống khi chứng khoán tăng vọt. Với giới giao dịch toàn cầu, biểu đồ đi lên của giá cổ phiếu đã làm giảm nhu cầu về kim loại quý với vai trò tài sản thay thế. Niềm tin vào khả năng cất giữ giá trị của vàng sụt giảm đã ghi nhận năm giảm giá đầu tiên kể từ năm 2000 của vàng, sau khi đã mất khoảng 22% giá trị trong năm nay.

Rõ ràng, một quyết định của các nhà lập pháp Mỹ đã gần như đảo ngược cục diện tài chính thế giới. Điều đó cho thấy nước Mỹ vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Quy mô của nền kinh tế trị giá gần 16.000 tỷ USD dù chưa thực sự phục hồi như vốn có nhưng vẫn là động lực của cỗ máy kinh tế thế giới. Trong khi đó, cho đến nay những nỗ lực nhằm thay thế đồng USD như một đồng tiền dự trữ hàng đầu của các nhà đầu tư, ngay cả khi khủng hoảng xảy ra vẫn chưa thành công. Do đó, không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới thật khó tưởng tượng được hậu quả của chuyện nếu sớm mai thức dậy mà nước Mỹ tuyên bố không còn khả năng chi trả, dù chỉ là vỡ nợ kỹ thuật. Đến lúc đó, hệ thống tài chính, thương mại toàn cầu sẽ lập tức rơi vào tình trạng đóng băng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tài chính cảnh báo, một khi để giới hạn cuối cùng bị vượt qua, Mỹ có thể sẽ mang nợ gấp 23 lần so với đợt phá sản của ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008, sự kiện đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khủng khiếp trong hơn nửa thế kỷ.

Vì vậy, tổn thất 24 tỷ USD mà xứ Cờ hoa phải gánh chịu trong suốt 16 ngày đóng cửa có lẽ vẫn rẻ hơn nhiều so với cái giá có thể phải trả nếu các cuộc thương thảo giữa lưỡng đảng vẫn không đi đến đâu. Vì vậy, không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới cũng đã trút được một gánh lo sau sự đồng thuận dời trần nợ đến ngày 7-2 năm sau. Chắc chắn đây lại tiếp tục là một thời điểm thử thách nữa của nước Mỹ và cả các thị trường toàn cầu, vốn vẫn đang vận hành với niềm tin từ cường quốc số 1 thế giới như một trục xoay quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh của niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.