(HNM) - Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 của quân và dân ta, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, mãi mãi là biểu tượng của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, song bao trùm và quan trọng nhất là nghệ thuật tác chiến phòng không toàn dân, độc đáo và đặc sắc.
Đêm 18-12-1972, bộ đội ra đa đã phát hiện và khẳng định chính xác B.52 vào đánh phá Hà Nội (trước 29 phút). Ảnh tư liệu |
Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không năm 1972 đã đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân với tư tưởng chỉ đạo: "Toàn dân bắn máy bay địch, bắt sống giặc lái, toàn dân làm tốt công tác phòng tránh, toàn dân làm tốt công tác vận chuyển". Bằng đường lối đúng đắn ấy, Đảng và quân đội đã xây dựng được thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, tạo thành sức mạnh to lớn để đánh B.52.
Trong thế trận đó vai trò của bộ đội ra đa thể hiện rất rõ nét. Là lực lượng trinh sát, quản lý vùng trời, bộ đội ra đa đã phát hiện chính xác địch trên không, thông báo, báo động kịp thời cho các lực lượng phòng không - không quân chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu và cho nhân dân kịp thời sơ tán, trú ẩn. Lực lượng này còn cung cấp thông tin tình báo cho các đơn vị hỏa lực, dẫn đường cho không quân đánh địch trên không, hình thành hệ thống mạng ra đa, là mắt nhìn, tai nghe, quan sát cho các hướng.
Ngay đêm 18-12, các kíp trắc thủ của các Đại đội 41, 45, 46 (Đoàn ra đa Ba Bể) đã phát hiện và khẳng định chính xác B.52 vào đánh phá Hà Nội (trước 29 phút). Phát hiện này giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo động chuyển cấp chiến đấu, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 78 phóng quả đạn đầu tiên mở màn chiến dịch vào lúc 19h44. Đến 20h30, Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 261 đã phóng tên lửa thiêu cháy 1 chiếc B.52 rơi tại cánh đồng Chuôm, Phù Lỗ (Sóc Sơn).
Cùng với lực lượng ra đa, bộ đội không quân tiêm kích đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong 12 ngày đêm của chiến dịch. Đây là lực lượng hỏa lực có khả năng cơ động cao, tầm hoạt động xa, đánh máy bay địch bay bất cứ từ hướng nào tới và có khả năng chi viện cho các khu vực tác chiến. Trước khi mở màn chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn, Lầu Năm Góc nhận định: Chỉ có không quân Việt Nam mới có thể đánh được B.52, nhưng chỉ đánh được vào ban ngày là chủ yếu. Chính vì vậy, để hạn chế khả năng sử dụng không quân tiêm kích của ta, địch chủ động dùng B.52 đánh vào ban đêm. Và ngay đêm đầu tiên (18-12), các loại máy bay chiến thuật của Mỹ đã tập trung đánh phá toàn bộ các sân bay nhằm vô hiệu hóa khả năng cất cánh của không quân.
Thế nhưng, không quân ta đã chủ động cơ động, sơ tán bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến và bất ngờ xuất kích 24 chiếc đánh chặn địch từ xa, khi đội hình của địch chưa kịp triển khai. Lực lượng không quân địch bị không quân ta đánh “bóc vỏ”, đánh tiêu hao nên đội hình bị phá vỡ, phân tán, chỉ huy rối loạn, do đó cường độ nhiều đội hình B.52 giảm, tạo điều kiện cho tên lửa “làm bàn” tiêu diệt. Trong cả chiến dịch, bộ đội không quân đã bắn rơi 7 máy bay các loại và 2 chiếc B.52.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng chủ yếu đánh B.52. Tuy lực lượng tên lửa ở miền Bắc có hạn nhưng đã được tập trung bố trí tại những hướng chủ yếu quan trọng. Riêng khu vực Hà Nội đã bố trí tới 50% lực lượng. Khi biết rõ địch chủ yếu dùng B.52 đánh đêm, ta đã sử dụng pháo phòng không và không quân tiêm kích tập trung đánh địch vào ban ngày, nhằm bảo vệ các mục tiêu và các trận địa tên lửa. Các đơn vị tên lửa được dành ưu tiên chủ yếu để đánh ban đêm. Ngay đêm 18-12, khi Mỹ bắt đầu mở chiến dịch tập kích đường không, các đơn vị tên lửa đã đánh trận mở màn chiến dịch và đánh trúng đội hình B.52, lập công xuất sắc. Liên tiếp trong cả chiến dịch, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 29 chiếc B.52 trong tổng số 34 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi (16 chiếc rơi tại chỗ).
Là lực lượng đông đảo và rộng khắp, bộ đội pháo phòng không có nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp, bay bằng, bay bổ nhào ném bom ở độ cao thấp và trung bình. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng này đã phát huy cao độ khả năng hỏa lực tập trung đánh các loại máy bay của Mỹ bay chiến thuật về ban ngày. Ban đêm, pháo phòng không trực tiếp tham gia đánh các máy bay chiến thuật bay thấp, bay gây nhiễu và hộ tống trong đội hình B.52 và sử dụng cả pháo 100mm đánh B.52. Trong toàn bộ chiến dịch, bộ đội pháo phòng không đã bắn rơi 29 máy bay chiến thuật các loại, pháo 100mm bắn rơi 3 máy bay B.52.
Trong thế trận chiến đấu 12 ngày đêm, ngoài lực lượng nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân chủ lực, còn phải kể đến lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Đây là lực lượng tại chỗ rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp hoạt động tốp nhỏ, lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của địa phương. Lực lượng chiến đấu của quân dân Thủ đô có những lúc đã lên tới gần 54.000 người, với trên 500 súng trung, đại liên và súng máy phòng không, triển khai tại 295 trận địa trực chiến, mưu trí dũng cảm, chiến đấu tích cực.
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, các đơn vị súng máy phòng không được bố trí đón lõng bắn máy bay bay thấp. Ta đã tổ chức 364 phân đội dân quân tự vệ với 1.428 khẩu pháo và súng máy phòng không các loại (32 khẩu pháo 100mm, 16 khẩu 85mm, tổ chức trên 100 trận địa pháo phòng không, 36 đài quan sát xa, 414 đài quan sát bổ trợ), tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Trong chiến dịch, pháo phòng không địa phương đã bắn rơi 9 máy bay chiến thuật của Mỹ. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương đã tham gia san lấp, sửa chữa sân bay, xây dựng trận địa tên lửa, cao xạ, ra đa, ngụy trang, cất giữ vũ khí, khí tài. Sự phối hợp hiệp đồng nhịp nhàng của các lực lượng đã thể hiện nét độc đáo tạo nên sức mạnh chiến tranh nhân dân của chúng ta.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân chủng, tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và giá trị của chiến dịch trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Những kinh nghiệm, cách đánh của bộ đội phòng không - không quân, nhất là đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tác chiến phòng không toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ đang được quân chủng truyền lại cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy trong thời đại mới.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại
Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.