(HNM) -Một tòa chung cư cao gần 3m với vô số phần cơi nới hiện trên nền mây trắng, trời xanh. Trên nóc tòa nhà, không gian làng quê hiện hữu với mái ngói, cổng làng... Triển lãm nghệ thuật đương đại của Nguyễn Mạnh Hùng với tên gọi
Mô hình “Chung sống trên thiên đường” của Nguyễn Mạnh Hùng. |
Trước khi triển lãm tại Hà Nội, mô hình chung cư của Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự ba triển lãm quốc tế tại Bảo tàng Stenersen (Oslo - Na Uy), Gallery ở Bergen (Na Uy) và Viện Các quan hệ đối ngoại ở Berlin và Stuttgart (Đức) trong năm 2009 và 2010. Trở về Hà Nội, mô hình này gần như chiếm toàn bộ diện tích gian phòng triển lãm của Viện Goethe Hà Nội, mang tên gọi mới "Chung sống trên thiên đường".
Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, tác phẩm của anh được hoàn thành trong một tháng rưỡi với sự giúp sức của 10 người. Điều đặc biệt là mô hình chung cư cao tầng được thiết kế với các vật liệu tái chế như vải vụn, tuýp sơn dầu… Với vô số phần cơi nới trông như những tổ én dán vào và trước mỗi ô cửa sổ phơi đầy quần áo, tác giả cho người xem cảm giác quen thuộc về những ngôi nhà chung cư cũ của Hà Nội. Một chút gì chật chội, nhếch nhác... mà gần gũi vô cùng.
Trong mô hình này, Nguyễn Mạnh Hùng "cách điệu" chung cư cũ bằng chiều cao của những tòa nhà hiện đại, đặt chúng trong một không gian rộng lớn của trời xanh, mây trắng như gợi ý về sự đối lập giữa ước mơ và đời thực. Tác phẩm như một bức tranh 3D và người xem có thể thỏa sức tưởng tượng… Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ "Tôi sinh ra và lớn lên ở một khu tập thể tại Hà Nội. Sau hơn 20 năm gắn bó, tôi thấy nó không mang nhiều nét đặc trưng của đời sống đô thị mà giống như một quần thể các khu "làng" chồng lên nhau. Người ta tự cải tạo không gian sống, chăn nuôi, trồng cây và nâng cấp điều kiện sống trong hoàn cảnh chung chạ. Ở đó, mọi người chia sẻ với nhau mọi chuyện và không có nhiều chỗ cho sự riêng tư. Tôi tự hỏi: Liệu các thiên thần có thể sống chung với nhau trên thiên đường?".
Ước mơ nhen nhóm từ hơn 10 năm trước khi Nguyễn Mạnh Hùng còn ngồi trên ghế giảng đường, tự nhủ rằng sẽ làm cái gì đó về nơi mình đã sống, đã gắn bó và có bao kỷ niệm. Và giờ thì ước mơ đã thành hiện thực. Với Nguyễn Mạnh Hùng, "Chung sống trên thiên đường" giúp anh khẳng định quan điểm "nghệ thuật đa dạng và nghệ sĩ có nhiều cách thể hiện chứ không đơn thuần chỉ là vẽ tranh, nặn tượng". Hơn thế, với nguyên liệu thực hiện tác phẩm là những vật liệu tái chế, tác giả muốn gửi đến thông điệp bảo vệ môi trường khá ấn tượng.
Nói như Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, "Triển lãm là một dấu hiệu tốt đẹp cho nghệ thuật đương đại tại Hà Nội". Đó cũng là bức tranh về cộng đồng giàu tính nhân văn, thể hiện được sự sáng tạo rõ cá tính của tác giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.