(HNM) - Câu chuyện tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) không còn là những cơn sóng ngầm lúc êm dịu khi dữ dội tác động tới mối quan hệ vốn không yên ả giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó đã thành "mắt bão" để gây giông tố cho cả hai cường quốc.
Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại đang tới gần hơn bao giờ hết khi Ủy ban Tài chính và thuế vụ Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu cuối tuần qua đã ủng hộ dự luật cho phép Washington trừng phạt thương mại Bắc Kinh vì dìm giá đồng nội tệ xuống dưới giá trị thực.
Dự luật sẽ được thảo luận và bỏ phiếu tại Hạ viện vào tuần tới; đồng thời sẽ phải vượt qua cửa ải khó khăn hơn là Thượng viện trước khi trở thành đạo luật có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nước đi đầu tiên trên bàn cờ kinh tế Trung - Mỹ này đã khẳng định cách tiếp cận mới theo hướng mạnh mẽ hơn của chính quyền Tổng thống Barack Obama so với chính phủ tiền nhiệm trong việc giải quyết vấn đề tỷ giá. Rõ ràng là, việc thúc ép Bắc Kinh nhanh chóng cải thiện sự chậm trễ trong hành trình nâng giá đồng bạc hồng không còn dừng lại ở những bước đi ngoại giao đơn thuần. Nhà Trắng đã tạo công cụ cần thiết để hiện thực hóa tuyên bố của Tổng thống B. Obama trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc trước đó một ngày nhấn mạnh, nếu Bắc Kinh không thay đổi, Washington sẽ hành động để bảo vệ các lợi ích của mình.
Cuộc gặp kéo dài hai giờ được đánh giá là đáng thất vọng do cả hai bên vẫn bảo lưu quan điểm về vấn đề tiền tệ. Ông chủ Nhà Trắng không thay đổi lý lẽ không mới rằng chính sách đồng tiền yếu của Trung Quốc đã làm lệch lạc quan hệ thương mại giữa hai nước, phương hại tới cả nền kinh tế của Mỹ và thế giới. Đồng thời, sự tăng giá vỏn vẹn 1,8% của đồng NDT so với USD kể từ sau tuyên bố điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hồi tháng 6 của Bắc Kinh là không thể chấp nhận. Tỏ ra cứng rắn không kém người đứng đầu nước Mỹ, ông Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc không thể làm theo đề nghị tăng giá đồng nội tệ thêm 20% đến 40% của Hoa Kỳ vì quyết sách đó đồng nghĩa với sự nảy sinh những bất ổn xã hội nghiêm trọng được dự báo trước. Liệu pháp sốc về tỷ giá sẽ dẫn tới thảm họa phá sản của hàng ngàn nhà máy, kéo theo tình trạng mất việc làm và đẩy hàng triệu lao động từ quê ra thành phố phải trở lại nông thôn. Thái độ không nhượng bộ từ hai phía vì những vấn đề nội tại của mỗi quốc gia cho thấy dường như Mỹ và Trung Quốc đều đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột thương mại, cho dù từng nỗ lực né tránh.
Chắc chắn, cả Mỹ và Trung Quốc đều đủ khôn ngoan để nhận ra rằng cuộc chiến này một khi xảy ra sẽ gây những tổn thất đáng kể cho cả hai bên. Sự phụ thuộc chặt chẽ trên nhiều khía cạnh khiến hai nước có khả năng gây tổn hại đáng kể cho đối phương cũng như cho phần còn lại của nền kinh tế thế giới. Mỹ đã định lượng những thách thức mà hàng hóa và các doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp phải trong quá trình tìm kiếm thị trường tại Trung Quốc sau sự va chạm thương mại, cùng nhiều lợi ích chính trị khác là không nhỏ khi quốc gia này đang là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Mỹ sau Canada. Lượng trái phiếu khổng lồ lên tới gần 900 tỷ USD mà Bắc Kinh đang nắm giữ cũng là một vũ khí có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang yếu ớt của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc cũng ý thức được thực tế việc "chọc giận" người Mỹ cũng sẽ để lại hậu quả không mấy dễ chịu, khi những người tiêu dùng hào phóng bên kia bờ Thái Bình Dương đã đóng góp không nhỏ cho nhiều tỷ USD GDP của Trung Quốc thời gian qua. Đó cũng là câu trả lời cho chính sách nâng giá đồng NDT đều nhằm thể hiện sự hợp tác trước áp lực từ Mỹ.
Cho đến thời điểm này, chưa ai có thể chắc chắn rằng "cuộc chiến hòa bình" về kinh tế Mỹ - Trung sẽ diễn biến theo hướng nào. Với thái độ cứng rắn vừa thể hiện, người đứng đầu nước Mỹ muốn chứng tỏ nhiệm vụ cải thiện thị trường việc làm và cạnh tranh thương mại bình đẳng mà ông từng cam kết khi lên nắm quyền đang là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của Nhà Trắng. Điều này có nhiều ý nghĩa hơn khi cú va chạm tỷ giá khổng lồ Mỹ - Trung diễn ra đúng vào thời điểm nước Mỹ bước vào đường đua cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ (vào tháng 11 tới) với một nền kinh tế chưa thể khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.