(HNM) - Không phải năm 2015 này giao thông ở Hà Nội mới xảy ra ùn tắc mà năm 1989, Báo Hànộimới đã có bài phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông tại đường Chùa Bộc, phố Khâm Thiên và Nguyễn Khuyến, dù phương tiện giao thông cá nhân khi đó chủ yếu là xe đạp. Nguyên nhân chính gây ùn tắc một phần là thiếu đường, giao thông công cộng chỉ có xe buýt vì xe điện đã bị dỡ bỏ. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng khác là dân số 4 quận này ở mức gần 1 triệu người.
Theo các chuyên gia đô thị, quỹ đất dành cho giao thông công cộng (bao gồm giao thông tĩnh và giao thông động) thấp nhất cũng phải chiếm 1/5 diện tích đô thị đó. Thế nhưng, dù có nhiều cố gắng mở thêm đường trong nhiều năm qua thì quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội cho đến nay vẫn ở mức dưới 10%. Cùng với thiếu quỹ đất, phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội hiện duy nhất vẫn là xe buýt. Thiếu phương tiện giao thông công cộng cũng là một trong những lý do thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe cá nhân tăng vùn vụt theo sự phát triển của kinh tế, xã hội. Cùng với đó, nhiều người cũng muốn sử dụng phương tiện văn minh hơn, bằng chứng là giá xe ô tô ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới nhưng người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, số xe máy đăng ký mới 1 tháng ở Hà Nội dao động trong khoảng từ 18.000-22.000 xe, với ô tô là 6.000-8.000 xe. Với tốc độ này, chưa tính đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của lực lượng vũ trang, xe các tỉnh vào Hà Nội và 7 triệu xe máy. Phương tiện giao thông cá nhân luôn tỷ lệ thuận với dân số, nghĩa là dân số tăng lên thì số xe cá nhân cũng tăng theo. Nhưng dân số Hà Nội đang là bài toán không khó, tuy nhiên giải thì không dễ. Khi Thủ đô được giải phóng năm 1954, Hà Nội có 53.000 dân, đến năm 2014 số dân vọt lên 7,2 triệu người. Ngoài nguyên nhân mở rộng địa giới hành chính năm 2008 thì còn nguyên nhân khác là tăng tự nhiên và tăng cơ học. Hiện có khoảng gần 1 triệu người nhập cư không đăng ký hộ khẩu thường trú.
Theo số liệu từ Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội thì hiện tại, mật độ dân số trung bình của Hà Nội cao hơn nhiều so với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, khoảng 2.100 người/km2. Trong khi đó, mật độ bình quân của các nước ASEAN chỉ từ 100-200 người/km2, ở Indonesia khoảng 124 người/km2, Myanmar là 88 người/km2, Thái Lan là 130 người/km2, Philippines là 124 người/km2… Nếu so với mật độ trung bình của cả nước thì mật độ của Hà Nội cao gấp 8-9 lần. Song tại 4 quận cũ, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm thì mật độ trung bình thuộc loại cao nhất thế giới. Hà Nội đã có kế hoạch giảm dân số tại các quận này mỗi năm 20 vạn người từ nay đến năm 2020 và quận Hoàn Kiếm đang triển khai dự án giãn dân phố cổ, tuy nhiên kế hoạch giảm dân số khó có thể đạt được như kế hoạch vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Mức độ gia tăng dân số quá nhanh khiến Hà Nội đang phải chịu nhiều áp lực, nhất là về giao thông. Có lẽ, cùng với các biện pháp đồng bộ khác thì việc giảm dân số ở khu vực nội thành, giảm mật độ dân số sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đó là bài toán cần phải giải quyết nhưng nếu chỉ một mình Hà Nội thì không thể làm nổi, cần có sự chung tay góp sức của Chính phủ và các bộ, ngành cũng như địa phương. Còn nếu không, dù có mở rộng đường, có thêm nhiều con đường "đắt nhất hành tinh", có tàu điện ngầm thì chỉ đi bộ không thôi cũng vẫn sẽ… ùn tắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.