(HNM) - Những năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Lượng khách quốc tế lẫn trong nước đều tăng, nhiều địa danh được bình chọn là điểm đến ưa thích của du khách quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất mạnh từ các đối thủ trong khu vực.
Du lịch Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch, đáng chú ý cơ sở hạ tầng du lịch bị đánh giá thấp nhất trong 4 tiêu chí: Môi trường, chính sách, cơ sở hạ tầng, các nguồn tự nhiên và văn hóa.
Có thể nói, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn "cất cánh" và nhiều triển vọng. Nhưng triển vọng vẫn chỉ là triển vọng và sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn hơn nếu chúng ta không có tư duy đột phá trong chính sách. Các chính sách liên quan đến du lịch còn không ít bất cập. Chúng ta từng tổ chức rầm rộ cuộc vận động bình chọn cho vịnh Hạ Long trở thành di sản thế giới mới, những mong di sản được biết đến nhiều hơn, thu hút nhiều du khách hơn. Thế nhưng, khi du khách đến với Hạ Long thì do những quy định hiện hành mà các chuyến bay thủy phi cơ bị khống chế ở độ cao không phù hợp, thời gian cất cánh trong ngày ngắn, không được bay thẳng từ Hà Nội, không được quay phim, chụp ảnh… khiến cho dịch vụ mới mẻ này không thực sự hấp dẫn du khách.
Nói vậy để thấy, nếu tư duy trong kinh doanh du lịch vẫn thiếu sự liên kết, thiếu sự đồng bộ trong tổ chức và điều hành thì ít có khả năng du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Một thông tin đáng quan tâm đó là việc Indonesia vừa quyết định đơn phương miễn visa cho 90 quốc gia, gấp đôi so với con số hiện nay với hy vọng hút một lượng khách quốc tế nhiều hơn. Các nước khác như Thái Lan đã miễn visa và lệ phí visa cho công dân đến từ 61 quốc gia, Malaysia miễn lệ phí visa cho 155 quốc gia, Singapore miễn visa cho 150 quốc gia… Trong khi đó, quy định về visa của Việt Nam hiện nay đang được xem là một trong những nguyên nhân gây cản trở sức cạnh tranh của ngành Du lịch. Những động thái nói trên của các nước trong khu vực cho thấy, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn cho du lịch Việt Nam nếu không có những giải pháp cấp bách và hữu hiệu.
Cuộc cạnh tranh điểm đến du lịch giữa các quốc gia trong khu vực đang ngày càng "nóng". Khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp đang rất năng động và mạnh mẽ, nếu chúng ta không sớm hành động thì chắc chắn sẽ tiếp tục "chạy" sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.