(HNM) - Ngày 11-4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có buổi đối thoại trực tiếp với các DN thuộc Hiệp hội Bất động sản của địa phương (Horea) để tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh cùng những khó khăn vướng mắc.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết, theo số liệu cung cấp của các ngân hàng thì quy mô của thị trường bất động sản chỉ chiếm 8-9% dư nợ. Tác động của dư nợ tín dụng bất động sản nếu có làm nợ xấu tăng thêm cũng chỉ ở mức 1,5-2%, đưa tổng dư nợ xấu dưới 5%, chưa đến mức phải cảnh báo...
Tuy nhiên vấn đề lại ở chỗ thực tế nợ bất động sản có phải ở mức 8-9% hay không? Nói cách khác là, con số đó đã sát thực tế chưa, sát ở mức nào...? Chỉ lấy một ví dụ, vốn vay ngân hàng của một số DN trong lĩnh vực này gấp 2-3 lần vốn sở hữu, điều đó chắc chắn có những ảnh hưởng tới tính chính xác của số liệu nêu trên. Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, thị trường bất động sản là thị trường tài sản lớn nhất hiện nay, nếu nó nguy kịch tầm chấn động là rất khủng khiếp. Còn bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Horea cho rằng: "Số liệu chính thức thì tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản là khoảng 200.000 tỷ đồng. Theo tôi đây không phải là con số thực. Con số thực phải gấp vài lần. Thị trường bất động sản, DN bất động sản đang tụt dốc. Nếu thị trường bất động sản sập đổ, DN bất động sản phá sản hàng loạt thì hệ thống ngân hàng sẽ bị kéo theo".
Tại buổi đối thoại, một DN bất động sản từng được cho là mẫu hình của sự thành công đã phát biểu: "Trong tình hình hiện nay chúng tôi cũng đã chết, chỉ chờ chích điện kích thích để sống lại. DN của tôi chết có nghĩa là 100% các DN bất động sản khác đã chết lâm sàng". Đây là ý kiến rất đáng phải suy nghĩ. Thực tế hiện nay, nhiều DN đầu tư trong lĩnh vực này cho biết, có bán sản phẩm chỉ bằng 50-60% giá thành cũng không bán được. Lại có DN cung cấp, đi vay tiền dù lãi suất công khai ở mức trên dưới 20%, nhưng lãi suất "dưới gầm bàn" lên đến 30%/năm, nếu vay bên ngoài còn tới 40%/năm, thử hỏi thời buổi làm ăn khó khăn, đủ tiền "nuôi" lãi đã không nổi thì làm sao mà sống được?
Trong khi danh sách các DN, cơ sở sản xuất phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng... đang ngày một nhiều hơn thì những ý kiến cụ thể trong cuộc đối thoại nêu trên đã bộc lộ ra nhiều vấn đề, đòi hỏi phải nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ. Có lẽ, sức "chịu đựng" của các DN cũng đã tới thời điểm... "chạm đáy". Nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện nay, chuyện tiếp tục phải "khai tử" nhiều DN là điều khó tránh khỏi. Việc hạ mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng nhằm "bơm" thêm sinh khí mới cho các DN để có thể tiếp cận nguồn vốn chỉ là một trong những giải pháp cấp bách. Cùng với đó phải là việc điều tiết những cơ chế, chính sách tài chính hợp lý để tăng thêm "nguồn ôxy" giúp các DN trụ vững và hồi sinh. Một khi xảy ra sự phá sản của hàng loạt DN trong lĩnh vực bất động sản thì điều đó có thể dẫn đến những tác động khôn lường đối với cả nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.