(HNM) - Phát huy lợi thế huyện ven đô, Đan Phượng chọn cho mình hướng đi riêng, phát triển công nghiệp đô thị, biến làng, xóm thành những phố làng, trung tâm thương mại sầm uất. Nhờ bước đột phá, chuyển hướng phát triển kinh tế, từ huyện thuần nông, Đan Phượng vươn lên thành huyện có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững của thành phố Hà Nội.
Cán bộ nông nghiệp huyện Đan Phượng hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn. Ảnh: Bá Hoạt
Đột phá để phát triển kinh tế bền vững
Đan Phượng vốn là huyện thuần nông, những năm trước đây thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Từ năm 2002, sớm nhìn nhận giá trị của đất đai với quê hương đất chật người đông, huyện mạnh dạn điều chỉnh kế hoạch chuyển hướng phát triển kinh tế nhằm khai thác thế mạnh vùng đất ven đô. Qua gần 10 năm, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đô thị, thương mại và dịch vụ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã tạo nên sức bật mới.
Năm 2010, cơ cấu nông nghiệp - thủy sản chỉ chiếm 15,06%, công nghiệp - xây dựng chiếm 43,7%, thương mại - dịch vụ chiếm 41,24%, Đan Phượng đã đột phá đi đầu khâu quy hoạch đất đai xác định là mấu chốt để phát triển kinh tế, xã hội. Không thụ động, huyện bắt tay ngay vào quy hoạch tổng thể, giao thông, xây dựng, quy hoạch kiến trúc làng xã và kế hoạch sử dụng đất cho 16 xã, thị trấn. Trên cơ sở đó huyện, xã chủ động đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho kinh tế công nghiệp, hàng hóa phát triển. Năm 2000, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện chỉ được 20 tỷ đồng, đến năm 2010 đã tăng lên 1.100 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được chú trọng, xác định là khâu đột phá để thu hút đầu tư tạo quỹ đất cho phát triển đô thị và công nghiệp. Trong 5 năm (2005-2010) toàn huyện đã GPMB 103 dự án với diện tích 267,8ha, tập trung nâng cao hạ tầng và công trình phúc lợi như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đan Phượng là huyện đi đầu và sáng tạo đề xuất cơ chế, đền bù hỗ trợ người dân bị thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị để bảo đảm lợi ích, quyền lợi của người dân, bố trí quỹ đất dịch vụ để người dân kinh doanh. Trong 5 năm qua, huyện đã thu hút, triển khai 570 dự án, đã xây dựng hoàn thành Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, 4 điểm công nghiệp - TTCN - làng nghề với tổng diện tích 77,8ha, thu hút 54 doanh nghiệp và 456 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Thu nhập bình quân lao động tại các làng nghề từ 2-3 triệu đồng/tháng, có nơi đạt từ 5-8 triệu đồng/tháng, tạo việc làm tại chỗ góp phần ổn định chính trị xã hội ở nông thôn.
Phát huy truyền thống quê hương người gái đảm, Đan Phượng năng động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, dù diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh, nhưng giá trị thu nhập tăng nhanh từ 20 triệu đồng/ha năm 2003 tăng lên hơn 80 triệu đồng/ha năm 2010. Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao (Đan Phượng, Song Phượng); vùng sản xuất rau an toàn (Phương Đình, Song Phượng, Đan Phượng); vùng trồng cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn, đu đủ Đài Loan, trồng hoa cao cấp xuất khẩu (Thượng Mỗ, Thị Trấn, Phương Đình)… Đan Phượng được thành phố đánh giá là điểm sáng đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu, hiện đã có 6 thôn đạt bình quân 100 triệu đồng/ha/năm, 100% số xã đạt 50 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt 300 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
Khai thác tiềm năng, tạo sức bật mới
Với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, vận dụng chính sách của Đảng vào điều kiện cụ thể, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm của huyện đạt 14,7%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt gần 14 triệu đồng (tăng gấp 4,3 lần năm 2000). Bộ mặt nông thôn khởi sắc, 95% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã huy động nội lực đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng. Trong 10 năm huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây mới 516 phòng học, 27 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đan Phượng đã quy hoạch được 108 hồ, ao môi trường, cải tạo được 24 hồ, ao và bố trí 19 bãi trung chuyển rác thải, 100% xã đã thu gom xử lý rác thải cải thiện môi trường nông thôn sạch đẹp.
Trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đan Phượng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao, hoàn chỉnh quy hoạch mở rộng phát triển kinh tế, phía đông vành đai 4 là đô thị trung tâm, phía tây là hành lang xanh. Huyện xác định vùng kinh tế lớn là vùng ven Đáy và bãi sông Hồng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái; vùng Tiên Tân nông nghiệp hàng hóa tập trung, vùng ven sông Hồng phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, làng nghề, các xã trong vùng đô thị xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại chất lượng cao. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 14%, thu nhập bình quân đầu người 25,8 triệu đồng/năm 2015. Chương trình xây dựng NTM được đặc biệt quan tâm với mục tiêu 7 xã đạt tiêu chí NTM, tạo việc làm mới cho 2.000 lao động mỗi năm, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, xây dựng thêm 17 trường chuẩn quốc gia...
Với những nỗ lực vượt khó, giành được nhiều thành tựu lớn, Đan Phượng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thành phố tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là 3 tập thể, 3 cá nhân được tặng thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đan Phượng được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới... và hôm nay được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2010. Đó là động lực để Đảng bộ, nhân dân Đan Phượng phát huy truyền thống Anh hùng, xây dựng quê hương giàu đẹp và kiên cường cách mạng trong thời kỳ đổi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.