Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức bật làng nghề La Phù

Hoài Thanh| 14/01/2010 06:38

(HNM) - Trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng 2 năm qua, làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn khẳng định vị thế trong nước và trên thị trường quốc tế. Kinh tế tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm, năm 2009 giá trị sản xuất đạt 736 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 509 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 312 tỷ đồng.


Đầu tư thiết bị công nghệ


Vận hành dây chuyền dệt len hiện đại tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt


La Phù là xã nghề có giá trị sản xuất lớn của thành phố Hà Nội với nghề dệt len, làm bánh kẹo nổi tiếng. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, trong những năm qua, làng nghề La Phù đã phát triển về quy mô và chất lượng sản phẩm. Có hàng trăm mặt hàng dệt len khăn, mũ, áo, găng tay, bít tất… thời trang, cùng sản phẩm bánh kẹo, sôcôla cao cấp của xã được xuất khẩu sang các nước trong khối EU và châu Phi. Đặc biệt, sau khi hội nhập WTO, nhiều công ty, cơ sở ở La Phù đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới công nghệ sản xuất bánh kẹo cao cấp, sôcôla và dây chuyền sản xuất nước giải khát. Đây là thế mạnh để sản phẩm của làng nghề có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Hiện nay, với hơn 95% số hộ tham gia làm nghề và kinh doanh dịch vụ, toàn xã La Phù có 110 công ty, trong đó có 85 công ty (còn lại là hơn 1.000 tổ hợp và hộ gia đình) sản xuất 2 mặt hàng chủ lực hàng dệt len và bánh, kẹo. Ông Nguyễn Phan Đức, Thường trực Đảng ủy xã La Phù cho biết, đầu tư trang thiết bị công nghệ là mục tiêu số 1 mà các hộ sản xuất ở đây quan tâm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Trong những năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp 850 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho trang thiết bị công nghệ 300 tỷ đồng, vốn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất 160 tỷ đồng. Điển hình Công ty cổ phần Sản xuất và chế biến thực phẩm Toàn Phát, Công ty Dệt may Minh Phương, Công ty TNHH Việt Thái đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng đổi mới công nghệ sản xuất. Thông qua nguồn vốn đầu tư, đến nay toàn xã có 4.000 máy dệt len, 5.000 máy may công nghiệp, 900 máy dệt bít tất, 50 dây chuyền sản xuất bánh kẹo, 40 máy sản xuất chun và khóa, 22 dàn máy thêu vi tính.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Phó phòng Quản lý chế biến nông sản và Ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, thông qua việc đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, các cơ sở sản xuất của La Phù đều đăng ký nhãn mác hàng hóa với các cơ quan chức năng để bảo hộ cho sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất đã quan tâm đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu. Đến nay, có 45/45 công ty chế biến thực phẩm và 10 hộ sản xuất bánh kẹo của La Phù đã được cấp Giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP. Có 40 công ty áp dụng quản lý chất lượng ISO- 9001. Giám đốc Công ty TNHH Việt Thái Nguyễn Hữu Thi cho biết, dây chuyền sản xuất kẹo sôcôla đồng tiền của công ty được đầu tư từ năm 2006 được chuyển giao kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài. Nhãn hiệu sản phẩm của công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, sản phẩm đạt huy chương vàng danh hiệu thực phẩm an toàn chất lượng vì cộng đồng và được Cúp vàng thương hiệu Vì sức khỏe cộng đồng. Các cơ sở dệt kim xây dựng chiến lược cùng với đầu tư công nghệ, tăng cường khâu kiểm soát chất lượng. Trong các khâu sản xuất đều có OTK kiểm tra nghiêm ngặt để kịp thời loại trừ các sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng.

Theo ông Lê Thiết Cương, để sản phẩm làng nghề phát triển ổn định, việc khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ KHKT, nâng cao chất lượng sản phẩm là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ cho sản phẩm và thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên các làng nghề chưa phát huy thế mạnh. Để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, những hạn chế về công tác tiếp thị và chính sách bảo trợ cho sản phẩm làng nghề cần được giải quyết kịp thời để các làng nghề đầu tư mở rộng sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật làng nghề La Phù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.