Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa luật để nâng hiệu quả đấu thầu

Hồng Sơn| 13/08/2012 07:00

(HNM) - Từ nhiều năm nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã quen với hoạt động đấu thầu bởi tính phổ biến và những tác động tích cực của nó. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra yêu cầu phải không ngừng hoàn thiện chính sách, cơ chế để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động đấu thầu trong thời gian tới.


Còn nhiều hạn chế

Sau hơn 6 năm thực hiện, đến nay Luật Đấu thầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu, DN tham gia các gói thầu, dự án thuộc nhiều lĩnh vực, cấp độ và địa phương khác nhau. Đặc biệt, việc thực hiện luật đã góp phần cho chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để từ đó bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ công trình bên cạnh tác dụng tiết kiệm, tiết giảm chi phí đối với các công đoạn, nhất là trong hoạt động mua sắm công. Năm 2007, giá trị tiết kiệm được thông qua đấu thầu đạt hơn 6.000 tỷ đồng, năm 2011 giá trị này tăng lên 26.000 tỷ đồng. Tính chung, những năm qua, Nhà nước cũng như các chủ đầu tư đã tiết kiệm được tổng cộng hơn 84.000 tỷ đồng, với sự triển khai tại hơn 342.000 gói thầu cụ thể, chủ yếu thuộc một số lĩnh vực quan trọng, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, công trình nông nghiệp - nông thôn, y tế, giáo dục…

Công tác đấu thầu đã vào cuộc sống một cách sâu rộng, trở nên gần gũi với hoạt động của cộng đồng chủ đầu tư và DN để phát huy tác dụng to lớn. Hoạt động đấu thầu trở thành hoạt động thường xuyên, nhất là góp phần tăng cường tính công khai, công bằng trong công tác xây dựng cơ bản. Những thực tế đó lý giải vì sao đấu thầu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội và chủ đầu tư.

Tuy nhiên, việc áp dụng luật cũng bộc lộ một số tồn tại, gây hệ lụy không nhỏ cần sớm sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về các loại chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu; chưa sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa của nhà thầu trong nước và nước ngoài; tính chuyên nghiệp về đấu thầu còn hạn chế, lại thiếu đồng đều giữa các địa phương; công tác theo dõi, phát hiện sai sót, tiêu cực còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn do chế độ báo cáo chưa được quy định cụ thể… Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn hạn chế về năng lực nên không đủ trình độ kiểm soát nhiệm vụ và mục tiêu được giao, thể hiện qua việc lúng túng từ khâu lập kế hoạch đấu thầu, thẩm định hồ sơ mời thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu. Không ít chủ đầu tư còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào bên tư vấn, tự làm mất vị trí và thẩm quyền của mình. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đáng lưu ý là chủ đầu tư ở các vùng sâu, vùng xa, cấp huyện, thị xã và thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn bộc lộ bất cập và sự non yếu trong cách xử lý những việc liên quan đến đấu thầu. Đó là tình trạng giám đốc bệnh viện hoặc hiệu trưởng trường học … "ngại" xem xét, thiếu tự tin khi phê duyệt kết quả đấu thầu vì thiếu năng lực nhưng lại nghi ngờ, e ngại về chất lượng tham mưu của bên tư vấn. Thực tế đó thường đẩy họ vào cảnh khó đưa ra quyết định vì "tiến thoái lưỡng nan"…

Cần sớm sửa đổi luật cho phù hợp

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng DN để tiếp nhận ý kiến, góp ý nhằm tiến tới việc sửa đổi Luật Đấu thầu trong thời gian tới. Trong đó, luật mới (sửa đổi) sẽ tham khảo các quy định quốc tế, nhất là thông lệ về đấu thầu quốc tế và được "cải biến" cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như yêu cầu cụ thể ở Việt Nam. Đây là tiêu chí rất quan trọng, cần thiết bởi nó sẽ bao trùm và chi phối hoạt động đấu thầu ngày càng diễn ra nhiều hơn, lại có yếu tố quốc tế với sự tham gia của đội ngũ nhà thầu đến từ nhiều quốc gia thời hội nhập.

Một số ý kiến đáng lưu ý, gồm phạm vi điều chỉnh nên theo hướng tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước sử dụng trong dự án đấu thầu, nhất là đối với dự án tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; áp dụng luật cho những dự án thuộc lĩnh vực điều tra cơ bản, sửa chữa, nâng cấp thiết bị như tàu thuyền đối với lĩnh vực nông nghiệp hoặc việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo trình tự, thủ tục về đấu thầu. Luật sửa đổi cũng cần có quy định để quản lý được hoạt động mua sắm bằng vốn ngân sách ngay cả khi không lập dự án, điều chỉnh cả việc mua sắm ở DN nhà nước… Đặc biệt, Luật Sửa đổi sẽ nhấn mạnh tiêu chí bảo đảm tính cạnh tranh, thật sự công bằng giữa các nhà thầu và bổ sung nội dung là nhà tư vấn khảo sát thiết kế sẽ không được tham gia với tư cách tư vấn giám sát thi công; làm rõ quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan chủ đầu tư và DN, tránh tình trạng có quan hệ thân thiết như họ hàng, cha-con… để "đá bóng" cho nhau.

Việt Nam đang tăng tốc thực hiện công cuộc CNH-HĐH, cả nước là một đại công trường với việc triển khai hàng ngàn công trình/dự án. Vì vậy, hoạt động đấu thầu gắn liền với công tác quản lý, trong đó có sự ra đời của Luật Sửa đổi sẽ là động thái tích cực để nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm vốn đầu tư bên cạnh mục tiêu bảo đảm chất lượng, tiến độ mỗi công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để nâng hiệu quả đấu thầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.