(HNM) - Trong một phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi: Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người dân được lợi gì? Đó là câu hỏi đầu tiên và có ý nghĩa quyết định với việc sửa đổi luật hay không, sau mới bàn đến các việc khác, bởi lẽ mang thêm lợi ích cho người dân chính là mục đích của mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Luật BHYT được Quốc hội ban hành từ năm 2009. Qua 3 năm triển khai, kết quả nổi bật là bảo đảm tiến độ người tham gia theo đúng lộ trình đã thông qua trong luật. Tính đến nay đã có trên 62 triệu người có BHYT, trong đó nhóm có tỷ lệ tham gia đạt 100% là hành chính sự nghiệp, hưu trí; và nhóm có tỷ lệ tham gia cao là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên. Hiệu lực của luật còn thể hiện ở số lượt khám, chữa bệnh BHYT ở hầu hết các tuyến tăng đều; số lượng các cơ sở y tế điều chỉnh cơ chế thanh toán (định suất hoặc trọn gói theo ca bệnh) theo quy định của luật; và bảo đảm được cân đối Quỹ BHYT. Như vậy, chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, mặc dù trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn vẫn quan tâm đến đời sống công dân của mình.
Tuy nhiên, với hai yếu tố giảm chi từ tiền túi của người bệnh và gói quyền lợi của người tham gia thì dường như chính sách BHYT hiện hành chưa có hiệu quả là bao nhiêu. Việc người dân chưa mặn mà với việc tham gia BHYT, hay nói cách khác là chưa nhận rõ những giá trị và quyền lợi thụ hưởng khi tham gia BHYT cũng một phần từ hai khâu chưa làm tốt này. Những khu vực tham gia BHYT cao chủ yếu do Nhà nước hỗ trợ. Những nơi tham gia thấp là nơi nhiều người nghèo, phải bỏ tiền túi ra nhưng chưa được BHYT chăm lo thiết thực. Đáng nói là người ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, đường sá xa xôi, không mấy khi được hưởng lợi ích đã đành nhưng ngay ở miền xuôi, ở thành thị, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT vẫn còn thấp, thủ tục lại phiền hà, thái độ phục vụ của nhân viên y tế kém xa khu vực dịch vụ, nên xu hướng chung là nếu có điều kiện lựa chọn thì người bệnh sẽ tìm đến những dịch vụ khám, chữa bệnh tư hơn là vào bệnh viện công. Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng, sở dĩ BHYT chưa phát huy được tính ưu việt và kết quả như mong muốn bởi các chi phí gián tiếp trong khám, chữa bệnh đang có xu hướng tăng cao, việc có hay không có bảo hiểm cũng không hơn gì nhau, trong khi tâm lý của hầu hết người bệnh và gia đình đều muốn được hưởng chế độ khám, chữa bệnh tốt nhất, dù có tốn kém hơn chút đỉnh.
Việc quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo… tuy giảm gánh nặng cho người nghèo nhưng đã hợp lý chưa; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT như thế nào? Chưa kể hàng loạt trở ngại khác đối với người tham gia BHYT như: Quy định về thanh toán BHYT đối với tai nạn giao thông, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trực tiếp cho người có thẻ BHYT nhưng khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến; quy định về thời gian, thời điểm tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh… Thiết nghĩ những vấn đề nêu trên cũng cần được xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý. Để như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sửa đổi luật là vì người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.