Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi Luật Dạy nghề: Vẫn thiếu giải pháp đột phá

Hà Phong| 07/06/2014 06:17

(HNM) - Tốt nghiệp THPT, học sinh nào cũng mong muốn thi vào đại học, cao đẳng, ít ai muốn học nghề, nhưng hàng chục nghìn cử nhân ra trường không có việc làm... Những bất cập này được nêu trong buổi thảo luận ở hội trường của Quốc hội ngày 6-6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều


Chưa chú trọng phân luồng

Chủ trương đột phá của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH để khắc phục tình trạng mất cân đối thị trường lao động hiện nay là gì, đó là thắc mắc của đại biểu (ĐB) Đặng Thị Kim Liên (Đoàn Yên Bái) và nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với người đứng đầu hai bộ. Sở dĩ có thắc mắc này vì theo ĐB Đặng Thị Kim Liên, Đảng, Nhà nước đã xác định đi kèm phát triển nguồn nhân lực là phát triển dạy nghề theo hướng đào tạo theo nhu cầu. Song, lâu nay học sinh chưa coi trọng học nghề, chưa coi nghề là nghiệp. Số lượng thí sinh thi trượt đại học hằng năm rất lớn, gây tốn kém về tiền bạc cũng như sức ép về tâm lý xã hội đối với gia đình mỗi em. Đáng lưu tâm là số sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp cũng không hề nhỏ.

Bất cập này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện công tác đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn với các em học sinh. Chưa kể, sự mâu thuẫn giữa định hướng và kết quả dạy nghề cũng khiến nước ta rơi vào tình trạng thiếu lao động tay nghề cao. "Cần mở rộng chính sách học nghề đối với nghề đặc thù, mũi nhọn. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề cũng cần tính đến tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Doanh nghiệp, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động. Có như vậy thì công tác đào tạo nghề sẽ không bị chồng chéo dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc đối với hoạt động dạy nghề" - ĐB Đặng Thị Kim Liên kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, ĐB Khúc Thị Duyền (Đoàn Thái Bình) khẳng định, cơ cấu nguồn nhân lực của chúng ta "có vấn đề". Chính việc cơ chế đào tạo chưa liên thông, việc dạy "chay" phổ biến đã làm cơ cấu nhân lực nhiều địa phương không đáp ứng được yêu cầu. Theo ĐB Khúc Thị Duyền, cần huy động nghệ nhân dạy nghề thì mới có thể hướng cho người học làm những sản phẩm tốt, độc đáo. Nhưng, việc Ban soạn thảo yêu cầu có chứng chỉ về sư phạm mới được dạy nghề là bất cập. Ngoài việc chỉnh sửa, xây dựng lại cơ chế không quá máy móc để có được thầy giỏi, rất cần có sự liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để tạo ra một lớp người lao động được đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn lẫn tác phong công nghiệp.

Tốt nghiệp cao đẳng nghề loại giỏi được tuyển thẳng vào đại học

Đồng tình với chính sách thu hút doanh nghiệp vào công tác dạy nghề, nhưng theo ĐB Lê Thị Yến (Đoàn Phú Thọ), đó không phải việc cần ưu tiên hàng đầu thời điểm này. Vấn đề cần làm hiện nay là phải ưu đãi với người học nghề, lấy người học nghề là trung tâm của đổi mới để giải được bài toán "thừa thầy, thiếu thợ". Có thể bắt đầu từ việc đổi mới chính sách dạy nghề, tăng cường tuyên truyền, sự phối hợp giữa các bộ trong phân luồng học sinh.

Góp ý về thời gian học nghề, ĐB Lê Thị Yến cho rằng, quy định phải vừa học nghề vừa học văn hóa khiến nhiều em chán học, bỏ học nghề. Vì thế, thời gian học trung cấp nghề chỉ còn 1-2 năm và không nhất thiết phải học văn hóa THPT; người học nghề sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập... Đặc biệt, chủ trương tuyển thẳng vào đại học nếu tốt nghiệp cao đẳng nghề loại giỏi (Điểm c, Khoản 8, Điều 65) nhận được đánh giá cao của ĐBQH. Đây là một trong những giải pháp đột phá để hút học sinh học nghề.

Trao đổi với Báo Hànộimới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi nhận định, không thể phân luồng, bắt học sinh đi học nghề nếu không tạo ra được những điều hấp dẫn để các em tự nguyện đi học. Do đó, bên cạnh đổi mới phương thức đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động việc ưu đãi học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề, tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các em nhận thức được rằng, học nghề cũng là một con đường tiến thân tốt. Quá trình thẩm tra dự án luật, ngoài thống nhất với nhiều đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về các chính sách ưu đãi người học nghề, Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH còn đề nghị Bộ này cân nhắc, bổ sung quy định hỗ trợ trực tiếp; miễn, giảm tiền học phí cho đối tượng học nghề tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập để bảo đảm công bằng. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH nên có cơ chế bảo đảm người tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề nếu đảm nhiệm vị trí công việc phù hợp với trình độ đào tạo thì được hưởng tiền lương, tiền công dựa vào hiệu quả làm việc, theo thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương khởi điểm tối thiểu đang quy định.

ĐB Lê Văn Học (Đoàn Lâm Đồng): Quy mô tuyển sinh nghề giảm dần

Từ năm 2010 đến nay, quy mô tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều giảm mặc dù người có nhu cầu không phải thi tuyển, chỉ ghi danh là vào học. Do đó, nếu Bộ GD-ĐT không hạn chế các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề và cả sơ cấp nghề thì hệ thống dạy nghề không thể tồn tại, phát triển.

ĐB Phạm Thị Thu Hồng (Đoàn Bình Định):Học nghề xong phải có mức lương tương xứng

Tôi cho rằng quan trọng nhất là học nghề ra phải tìm được việc làm, có mức lương tương xứng. Nếu Bộ LĐ-TB&XH làm được điều này thì người học sẽ thích học nghề, thay vì phải cố thi đại học, cao đẳng rồi thất nghiệp tràn lan.


Bách Sen ghi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Dạy nghề: Vẫn thiếu giải pháp đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.