(HNM) - Theo quy định của ngành y tế, sữa đậu nành là một trong mười nhóm sản phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có Giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mới được hoạt động.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong các khu dân cư, các hàng quán bán sữa đậu nành trên các đường phố, ngõ ngách… đều chưa có Giấy chứng nhận VSATTP, quy trình sản xuất không bảo đảm VSATTP, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng các sản phẩm loại này.
Một cơ sở chế biến sữa đậu nành. |
Nhìn những cốc sữa đậu nành có vẻ rất ngon đó, nhưng nếu tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất của một số cơ sở, có lẽ không ai dám sử dụng. Đậu tương được ngâm 2-3 ngày trước, có khi đã bị bốc mùi được cho vào máy xay cáu bẩn, bột được đựng trong những thùng nhựa cũ kỹ, nhơ nhớp… Phần lớn các thùng nhựa này tận dụng những thùng đựng sơn xây dựng. Sau khi được những bàn tay để trần vắt bỏ, lọc bã, người ta có thể pha thêm nước, tùy theo sữa loãng hay sữa đặc, rồi cho lên bếp đun sôi, sau đó được đổ ra các thùng chứa để chiết vào các chai, mang đi tiêu thụ. Vỏ chai đựng sữa đậu nành được đội quân "ve chai" thu mua từ các khu dân cư dưới dạng phế liệu, đưa về súc rửa sơ sài, rồi tái sử dụng nhiều lần. Mỗi chai sữa được giao với giá 5.000 đồng, bán cho người tiêu dùng với giá từ 10.000 - 15.000 đồng. Cứ thế, mỗi ngày có hàng vạn lít sữa đậu nành không bảo đảm vệ sinh được tiêu thụ ở các quán cơm, nước giải khát, trước cổng trường học...
Sữa đậu nành giàu đạm, vitamin, khoáng chất nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Ngay cả khi được sản xuất đúng quy cách, hợp vệ sinh, nhưng bảo quản, vận chuyển không bảo đảm, đúng quy cách, thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn hoặc biến chất cũng rất cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng của ngành y tế, chỉ số nhiễm khuẩn E.coli trong sữa đậu nành cao hơn 250 lần, vi sinh Bacillus cereus nhiều gấp 900 lần, Coliform gấp 30.000 lần, nấm men mốc gấp 7 lần; vi sinh vật yếm khí gấp 6.800 lần cho phép và nhiều loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy cũng đã được tìm thấy trong các mẫu sữa đậu nành ở các hàng quán giải khát trên các đường phố, ngõ ngách… Ngoài ra, để giảm chi phí, không ít cơ sở sản xuất đã sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc trong quá trình chế biến. Thậm chí có những cơ sở sản xuất còn sử dụng cả hóa chất tạo hương để pha chế.
Hiện nay, nhiều người sử dụng sữa đậu nành như một loại nước uống giải khát bổ dưỡng và tốt cho tim mạch. Thế nhưng, nếu uống sữa đậu nành không bảo đảm VSATTP, không những không tăng cường sức khỏe, mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật. Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các sản phẩm sữa đậu nành có nhãn mác rõ ràng, được sản xuất theo quy trình công nghệ vô trùng khép kín, được các cơ quan chức năng chứng nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.