Phải mời tư vấn nước ngoài xác định nguyên nhân (HNM) - Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được khởi công từ ngày 23-10-2009 với tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 23-12-2009, vượt tiến độ hơn 1 tháng. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, trên mặt cầu lại xuất hiện nhiều vết nứt.
Mới sửa đã nứt
Vết nứt trên cầu đã được trám lại. (Ảnh chụp lúc 17h ngày 30-7). Ảnh: Dương Thủy
Trưa 30-7, PV Báo Hànộimới đã có mặt trên cầu Thăng Long và thực sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến tình trạng bi đát trên mặt cầu hiện nay. Bất ngờ bởi không thể tưởng tượng là mặt cầu phẳng mịn khi mới hoàn thành ngày nào, nay "nhom nhem" với hàng loạt vết nứt rải rác khắp nơi, nhiều vết phát triển như kiểu rễ tre, mặt cầu nơi lồi, nơi lõm… Càng bất ngờ là bởi công nghệ thi công mặt cầu Thăng Long được các chuyên gia đánh giá hiện đại vào hạng nhất, nhì hiện nay, vật liệu nhập khẩu từ Vương quốc Anh, chất lượng cao. Còn nhớ, vào ngày 22-3, khi trao đổi với PV Báo Hànộimới, Tiến sỹ Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (đơn vị nhập khẩu công nghệ, thiết kế, tư vấn, giám sát) cho biết, diện tích các vết nứt trên cầu chỉ chiếm 3/1.000 tổng diện tích mặt cầu. Nguyên nhân được xác định ban đầu khi đó là do yếu tố thời tiết, ảnh hưởng đến chất lượng một số mẻ trộn bê tông. Những tưởng sau khi xác định được nguyên nhân, việc khắc phục sẽ dễ dàng và mặt cầu sẽ êm thuận như khi mới hoàn thành. Thế nhưng, so với thời điểm phát hiện những vết nứt đầu tiên, đến nay hiện tượng xé, nứt xuất hiện ngày càng nhiều và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Nếu như trước đây, các vết nứt chỉ thấy ở làn phía thượng lưu, nay cả làn hạ lưu cũng có nhiều điểm hư hỏng. Không chỉ nứt như thời gian đầu, đến nay trên mặt cầu còn xuất hiện những đoạn "sống trâu" dài cả mét chạy dọc chiều xe đi. Không chỉ vậy, tại một số điểm nứt đã được xử lý trước đó lại tiếp tục bị lún, nứt. Trong văn bản số 2340/BQLDA2-PID9 ngày 27-7 gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý (BQL) Dự án 2 thừa nhận, tình trạng hư hỏng tiếp tục phát triển nhanh nếu không có giải pháp sửa chữa đồng bộ, triệt để.
Uống thuốc nhưng không rõ bệnh
Xác định rõ nguyên nhân chính là yêu cầu đặc biệt quan trọng để xử lý tận gốc hư hỏng. Nhưng đây dường như là bài toán quá khó. Trước đây, Bộ GTVT đã yêu cầu Viện Khoa học và Công nghệ GTVT điều tra, khảo sát, xác định rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục trước ngày 31-3. Ngày 23-3, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã có báo cáo số 226/VKHCN-KQH kết luận bước đầu về nguyên nhân dẫn đến nứt mặt cầu Thăng Long cũng như đề xuất hướng xử lý. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến hình thành một số vết nứt cục bộ là do một số mẻ bê tông nhựa SMA bị nguội nhanh trong quá trình lu lèn, dẫn đến bê tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp hơn 120oC, không đủ độ bám dính với lớp dưới, bảo đảm độ chặt như thiết kế, dẫn tới cường độ chịu lực suy giảm mạnh và phát sinh vết nứt kéo. Nhận định này cũng có cơ sở khi Viện dẫn chứng trong thời gian thi công trời rét đậm, về cơ bản, nhiệt độ không khí khi thi ở mức hơn 15oC, nhưng cá biệt có thời điểm xuống thấp hơn 15oC cộng với gió to làm một vài mẻ bê tông nhựa sau khi rải nguội rất nhanh khiến việc lu lèn không bảo đảm độ chặt, bị xốp rỗng… dẫn đến xé đứt, tạo vết nứt dạng đứt tách khi chịu tải trọng lớn của dòng xe chạy qua hoặc bị xô đứt khi chịu lực hãm phanh của các xe tải nặng. Song xem ra, đây không phải nguyên nhân đủ sức thuyết phục khi hư hỏng không còn là cục bộ.
Phó Tổng Giám đốc BQL Dự án 2 Nguyễn Năng Thể cho biết, hiện Viện Khoa học và Công nghệ GTVT mới chỉ xác định một số nhóm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hư hỏng mặt cầu, chưa chỉ ra nguyên nhân chủ yếu. Đây thực sự là điều khó hiểu, bởi Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được đánh giá là đơn vị khoa học mạnh của ngành. Trước đây, trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, sẽ mời tư vấn nước ngoài vào xác định nguyên nhân. Trong khi chờ đợi, BQL đã chỉ đạo nhà thầu tiếp tục sửa chữa các vị trí hư hỏng để bảo đảm giao thông, nhưng do không xác định chính xác "bệnh" nên chưa thể xử lý tận gốc. Từ khi phát hiện vết nứt đầu tiên, đến nay mặt cầu Thăng Long đã có 3 đợt sửa chữa với tổng diện tích 2.226m2. Trên cơ sở "bản đồ dính bám" do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT lập, kết hợp đối chiếu thực tế, BQL sẽ chỉ đạo tổ chức sửa chữa lần thứ 4 với diện tích 1.939m2. Ông Thể cho biết, đơn vị đã nhập khẩu 2 tấn vật liệu bond coat. Công tác sửa chữa đáng lý đã thực hiện, nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên phải lùi đến ngày 5-8 mới bắt đầu thi công và dự kiến hoàn thành sau 1 tuần. Tuy nhiên, trong văn bản số 2340, BQL Dự án 2 nêu rõ, sau 5 tháng từ khi Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác sửa chữa, việc nghiên cứu vật liệu thay thế lớp bond coat cũng như lựa chọn lớp phủ chống thấm chưa có kết quả. BQL kiến nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT chỉ đạo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT khẩn trương hoàn thiện nghiên cứu việc thay thế vật liệu để sửa chữa triệt để trước mùa mưa. Như vậy, có thể nói, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long như hiện nay chẳng khác gì thuốc cứ uống mà chưa rõ bệnh. Và, nếu tiếp tục thế này, e rằng tiền thì cứ mất, mà tật vẫn mang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.