(HNM) - Không rõ vì không có nguồn tin hay thờ ơ nhưng chỉ có hai báo in ra sáng thứ hai (26-11-2012) đưa tin về việc chị Võ Thị Minh Phương, 27 tuổi quê tỉnh Hậu Giang lấy chồng người Hàn Quốc đã ôm hai con (8 tuổi và 3 tuổi) nhảy từ tầng 18 tự tử. Trong lá thư tuyệt mệnh, chị Phương cho biết bị chồng bạo hành do nghi ngờ vợ ngoại tình.
Phản hồi như vậy không phải để trách móc báo chí mà chỉ nêu một hiện tượng, đó là sự thờ ơ trước số phận của hàng vạn công dân Việt Nam là phụ nữ lấy chồng nước ngoài của các cơ quan công quyền, các đoàn thể chính trị xã hội, của dư luận công chúng nước ta, trong đó báo chí chỉ là một bộ phận. Chị Phương chết không phải là trường hợp cá biệt. Gần đây đã có một "cô dâu người Việt" ở Hàn Quốc tự tử vì bị bạo hành. Xa hơn một chút, cũng ở nước này, một "cô dâu người Việt" khác bị giết chết. Đó là những chuyện được đưa ra công luận, nhưng còn rất nhiều bi kịch mà chúng ta chưa biết ở nước này hoặc ở những nước khác, vì số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài hiện đã lên tới chục vạn và còn tiếp tục tăng nữa.
Họ gần như không còn dính dáng gì với xã hội trong nước. Họ gần như bị tước bỏ mọi quyền lợi của công dân Việt Nam. Họ trơ trọi, không còn khả năng tự vệ trước nạn bạo hành gia đình, trước nền văn hóa xa lạ và hệ thống pháp luật ở một đất nước xa xôi, cách Việt Nam hàng nghìn kilômét.
Những cô dâu Việt đó là ai? Đa số là những người nghèo khổ, thất nghiệp, thất học, trình độ văn hóa rất thấp và cũng vì vậy mà thiếu thông tin, đánh liều đi lấy chồng ngoại với niềm tin ngây thơ sẽ đổi đời. Lấy chồng người nước ngoài trong khi không biết một chút gì về phu quân của mình, về nơi sinh sống sau kết hôn. Lấy chồng mà bị đày đọa, thăm khám, nâng lên đặt xuống như một món hàng thì dứt khoát không phải hôn nhân vì tình yêu, phải chăng là cuộc bán mình như những nữ nô lệ thời trung cổ để đổi lấy miếng ăn? Đó là một cuộc "xuất khẩu lao động" trá hình không được bảo vệ, để làm nô lệ trên mọi phương diện suốt cả cuộc đời, không mong ngày về! Dĩ nhiên, cũng có những người may mắn và những người may mắn đó được xuất hiện trong các đêm hội mừng năm mới tại các sứ quán của Việt Nam, được quay phim chụp ảnh gửi về nước để chứng minh rằng, các công dân Việt Nam luôn được các sứ quán bảo trợ và họ rất hạnh phúc, nhưng đa số những người bị ngược đãi, bị hành hạ cả về vật chất lẫn tinh thần thì không có cách gì đến được những nơi ấy.
Còn trong nước, việc hàng vạn phụ nữ trẻ ra đi đã để lại hệ lụy rất lớn cho nhiều vùng, nhất là ĐBSCL. Không phải chỉ là những bi kịch gia đình với người ở lại mà còn là sự mất cân bằng giới tính đã hiện diện ở Việt Nam, ngay hiện tại chứ không chỉ trong tương lai, khi hàng nghìn đàn ông không lấy được vợ vì phụ nữ đã đi một số lượng lớn. Tình trạng này càng ngày càng trầm trọng hơn do tác động của tư tưởng dòng họ, dẫn đến tình trạng trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề. Sẽ đến lúc các đường dây buôn bán người nhập lậu phụ nữ nước ngoài vào Việt Nam chứ không chỉ xuất khẩu lậu như hiện nay.
Không thể thờ ơ, cần có những giải pháp cơ bản trước tình trạng này với sự tham gia của nhà nước (hệ thống pháp luật), các đoàn thể xã hội và báo chí (thông tin, giáo dục, vận động) và cả cộng đồng. Đừng để những bi kịch như chị Võ Thị Minh Phương xảy ra hơn là khi sự việc xảy ra mới lên tiếng, thậm chí ồn ào vài ngày rồi để rơi vào quên lãng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.