(HNM) - Vào 19h30 ngày 16-12, tại Trường ĐH Văn hóa sẽ diễn ra một sự kiện văn học đáng chú ý: Đêm thơ hội ngộ với nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl - người cựu chiến binh Mỹ đã không ngừng day dứt vì từng chiến đấu trong Lữ đoàn Kỵ binh bay số 1 tại chiến trường Quảng Trị trong hai năm 1967 và 1968.
Bước ra từ bóng tối chiến tranh
Giáo sư Bruce Weigl và những người bạn Việt Nam. |
Bruce Weigl đến Việt Nam khi mới mười tám tuổi, một chàng trai trẻ ngây ngô, không biết gì về Việt Nam và không có sự hận thù nào đối với người Việt, những người ông chưa từng gặp gỡ. Chàng trai mười tám tuổi, xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo đã nhập ngũ vì gia đình không đủ tiền cho ông học đại học, với ý nghĩ rằng sau khi trở về, quân đội sẽ trả tiền cho ông học tiếp. Từ thị xã Lorain - Ohio với những rặng cây và đồng cỏ xanh rì, Bruce Weigl đã bị “kéo thốc vào sự hiểu biết tăm tối” và phải trải nghiệm những sự thật kinh hoàng từ cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Tôi gặp Bruce Weigl 43 năm sau, may mắn không phải là giữa cuộc chiến đẫm máu ấy mà là trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam (tháng 1-2010). Sau 43 năm, ông đã kịp làm thật nhiều để chuộc lại lỗi lầm mà chính phủ ông đã gây ra cho những người Việt vô tội: trở lại Hà Nội để chuyển thuốc men, hỗ trợ xây dựng trường học ở những vùng nghèo khó, nhận nuôi một đứa trẻ Việt Nam từ một trại trẻ mồ côi. Con gái Nguyễn Thị Hạnh Weigl của ông, dù sang Mỹ từ lúc 8 tuổi, lớn lên trong một gia đình có cha là người Mỹ, mẹ người Nhật nhưng không “mất gốc”. Với sự kiên trì và giúp đỡ của cha mẹ, Hạnh không những giữ được tiếng Việt cô được học từ thời thơ ấu, mà còn có thể đọc và viết lưu loát. Bruce Weigl cũng đã kịp dịch hàng trăm bài thơ của các nhà thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại và nói chuyện với hàng ngàn sinh viên và người dân Mỹ về văn hóa và lịch sử Việt Nam, mong muốn mở rộng tầm nhìn của người Mỹ về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.
Những vần thơ lay động trái tim độc giả Mỹ
Tuy nhiên, 43 năm sau, tôi đã chứng kiến chiến tranh chưa buông tha Bruce Weigl. Ngồi cùng tôi và một số nhà văn Việt Nam trong một quán café tại Hà Nội, ông đã đưa hai tay lên bịt chặt tai, van xin tôi hãy tắt giúp chiếc ti vi đang chiếu cảnh phim chiến tranh ác liệt. Trong một buổi tối ở Hòa Bình, đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng”, ông cất giọng đọc bài thơ “Bài hát bom na-pan”, miêu tả cảnh ông đứng sau cơn mưa trước đồng cỏ xanh rì ở Ohio cùng với vợ của mình: “Nhưng những cành cây vẫn là dây kẽm gai/Tiếng sấm vẫn là tiếng súng cối nã đạn/Cả bây giờ, cả khi nhắm mắt/anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng/Bom na-pan dính chặt cô vào máu/đôi bàn tay cô với ra phía trước/nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt”.
Dù từng căm ghét những người lính xâm lược nhưng bài thơ như cứa vào lòng tôi. Người đàn ông to lớn hơn 60 tuổi kia chưa bao giờ ngừng hối hận, ngừng đau đớn vì những điều khủng khiếp mà chính phủ và quân đội của ông đã từng gây ra trên một đất nước yêu hòa bình. Tìm hiểu những bài thơ ông viết, tôi bàng hoàng về sự đau đớn tột cùng trước thân phận con người trong chiến tranh. Có thể kể đến những dòng nhức nhối trong “Nỗi buồn bủa vây trên đường xuống địa ngục”, “Ngôi nhà của những người dũng cảm”, “Khúc bi thương”... Thế giới thơ của Bruce Weigl đồng thời cũng tràn đầy ánh sáng của lòng yêu thương, rõ ràng qua những bài thơ ông viết cho Nguyễn Thị Hạnh Weigl : “Con gái của bố”, “Lý thuyết hai sự thật”, “Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ”. Những bài thơ đau đớn hay chan chứa yêu thương của Bruce Weigl đã làm nức nở bao trái tim bạn đọc Mỹ.
Những trang hồi ký dí dỏm, cảm động
Từ bóng tối chiến tranh và sự đau khổ, tôi đã thấy ánh sáng nhân văn của một tấm lòng tha thiết với hòa bình. Trong khi nhiều cựu binh Mỹ đã lựa chọn không trở lại Việt Nam, Bruce Weigl không ngần ngại trở về và làm tất cả để giúp Việt Nam, đất nước mà vì nó ông đã đau khổ và mạnh mẽ hơn. Dù thơ của ông đã đạt nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng thơ Lannan, Giải thưởng thơ Paterson, Giải thưởng Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ, tôi nghĩ đối với Bruce Weigl, phần thưởng lớn lao nhất là sự đón nhận của bạn đọc Việt Nam dành cho các tác phẩm của ông.
Ngày 10-12, giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl có mặt ở Hà Nội để bắt đầu hành trình ra mắt cuốn sách song ngữ Anh - Việt có tựa đề “Sau mưa thôi nã đạn” gồm 36 bài thơ và 6 bài hồi ký liên quan đến các trải nghiệm về Việt Nam của ông. Tương phản với những bài thơ đau đớn là những bài hồi ký nhẹ nhàng, cuốn hút, dí dỏm và cảm động như “Nước mắm của riêng tôi”, “Đi lạc ở Hà Nội”, “Nguyễn Thị Hạnh Weigl”. Trong hành trình đến Việt Nam lần này, ông cũng tham gia buổi ra mắt tác phẩm “Vòng tròn của Hạnh” (NXB Phụ nữ), do chính con gái Nguyễn Thị Hạnh Weilg của ông chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Khi hỏi Bruce Weigl về tựa đề cho đêm thơ, ông đã nói ngay “Trở về ngôi nhà Việt Nam của tôi”. Và tôi hy vọng, hội trường 500 chỗ của Trường Đại học Văn hóa, đêm 16-12 mở cửa tự do không bán vé, sẽ đầy ắp người đón một cựu binh Mỹ trở về - như tấm lòng nhân ái của người Việt ta xưa nay vẫn thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.