(HNM) - Quảng trường Tahir, nơi cách đây gần hai năm đã đặt dấu chấm hết cho 30 năm quyền lực của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, 48 giờ qua lại tràn ngập người biểu tình.
Hàng loạt trụ sở của nhóm Anh em Hồi giáo, lực lượng ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Mohamed Morsi tại Ismailiya, Port Said, Alexandria đồng loạt bị phóng hỏa. Những gì đang diễn ra tại Ai Cập đã tái hiện ký ức chưa xa về những ngày sôi sục của cuộc "cách mạng Hoa sen", chính thức đưa đất nước của những Pharaoh huyền thoại vào một ngã rẽ lịch sử.
Quảng trường Tahir tại thủ đô Cairo tràn ngập người biểu tình phản đối tân Tổng thống M.Morsi.
Sau sự ra đi không yên ả của "vua không ngai" Mubarak, cuộc lật đổ của dân chúng đã mang đến một niềm tin chưa từng có về một tiến trình dân chủ lạ thường sẽ diễn ra tại quốc gia Bắc Phi. Và, cuộc bầu cử trọng đại hồi tháng 6, qua đó đưa ông Mohamed Morsi lên vị trí lãnh đạo cao nhất, tưởng như đã hoàn tất khát vọng về một nền dân chủ đã mở của người Ai Cập. Thế nhưng, cũng chính vì niềm khao khát ấy mà xứ Kim tự tháp đang chứng kiến sự trở lại của cơn gió bất ổn chất chứa những thất vọng, bạo lực và chia rẽ.
Ngay sau khi Tổng thống M.Morsi ban hành tuyên bố Hiến pháp mới - trong khi chờ đợi một Hiến pháp mới sau "cách mạng" được thông qua - quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến gồm hơn 100 người, không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do tổng thống ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30-6 thì giông tố đã lập tức nổi lên. Cho dù khẳng định điều luật mới chỉ có hiệu lực cho đến khi tân Hiến pháp của Ai Cập được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra, song những người phản đối cho rằng ông Morsi đang bước lên luật pháp để đi vào vết xe đổ thâu tóm quyền lực.
Trong khi lực lượng ủng hộ, đứng đầu là nhóm Anh em Hồi giáo tuyên bố động thái chính trị của nhà lãnh đạo Ai Cập là cần thiết để giữ ổn định tại quốc gia Bắc Phi thì ngược lại, phe đối lập, đứng đầu là cựu Tổng Giám đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) El Baradei gọi đây là hành động "đảo chính Hiến pháp". Những từ ngữ miêu tả vị tổng thống dân cử M.Morsi như một "Pharaoh hiện đại" hay "nhà độc tài kiểu mới" đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ còn chưa tắt ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải.
Phải nói rằng, kể từ khi cơn chính biến hồi tháng 2-2011, quốc gia Bắc Phi này chưa bao giờ được thật sự tận hưởng những khoảnh khắc yên bình. Ở đây đó và thỉnh thoảng, những cuộc tụ tập của dân chúng để phản đối quyết sách của người đứng đầu không còn là câu chuyện mới. Mặc dù vậy, chưa khi nào tình trạng bất ổn lại khiến Ai Cập trở lại thành một điểm nóng như hiện nay. Vấn đề làm cộng đồng khu vực và thế giới lo ngại là sự đối nghịch sâu sắc giữa các phe phái trên chính trường, kéo theo sự chia rẽ tư tưởng trong dân chúng, có nguy cơ đẩy xứ Kim tự tháp vào một vòng khủng hoảng chính trị - xã hội mới. Trong khi các nhà thẩm phán Ai Cập đồng loạt kêu gọi các thành viên, nhân viên tòa án và các cơ quan công tố toàn quốc đình công thì nhóm Anh em Hồi giáo cũng không ngần ngại kêu gọi biểu tình ủng hộ Tổng thống M.Morsi tại quảng trường Abdeen ở Cairo. Các động thái không khoan nhượng từ mỗi bên cho thấy Ai Cập đang đứng trước sự chia rẽ nội bộ khó hàn gắn.
Tình trạng chia rẽ tại Ai Cập sẽ xấu đi hay tốt lên đang phụ thuộc rất nhiều vào hành động tiếp theo của chính phủ đương nhiệm. Nhưng đã quá rõ là, sau 30 năm dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thống H.Mubarak, khái niệm thâu tóm quyền lực đã trở thành vấn đề cực kỳ nhạy cảm tại Ai Cập. Những biến cố không ngừng như đã và đang diễn ra cũng phát đi tín hiệu về một Mùa xuân Arab chưa trọn vẹn ở Bắc Phi. Gần hai năm đã qua đi, hy vọng từ cuộc chính biến Hoa sen vẫn chưa thể mang lại ổn định thật sự và phồn vinh cho người dân xứ Kim tự tháp. Không chỉ phương Tây đang lo ngại về một cuộc cải cách dân chủ dang dở ở Ai Cập mà các nước trong khu vực cũng đang dõi theo mọi chuyển động ở Cairo. Với vai trò địa - chính trị và chiến lược quan trọng trong thế giới Arab, sự vững chãi của Ai Cập thời hậu Mùa xuân Arab sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với hòa bình và an ninh khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.